Hội chứng ống cổ chân hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ chân, là tình trạng chèn ép gây tổn thương chức năng thần kinh chày sau. Đây là một bệnh lý thần kinh xảy ra ở mắt cá chân.
Ống cổ chân là một khoảng không gian hẹp hướng ra phía sau và thấp hơn mắt cá trong, chứa nhiều cấu trúc quan trọng, bao gồm các gân của cơ chày sau, cơ gấp các ngón, động mạch và tĩnh mạch chày sau cũng như dây thần kinh chày sau.
Hội chứng ống cổ chân hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ chân, là tình trạng chèn ép gây tổn thương chức năng thần kinh chày sau.
Khi thấy đau cổ chân rồi lan truyền đến vòm và gan bàn chân, tê trên bề mặt bàn chân, cảm giác đau và dị cảm , có thể nhận thấy yếu cơ ở bàn chân và mất dần chức năng vận động thì người bệnh đi khám và phát hiện bị hội chứng ống cổ chân.
Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bị hội chứng ống cổ chân
Dù căn nguyên của hội chứng ống cổ chân là do đâu thì mục đích điều trị vẫn là để giảm đau, kháng viêm và tăng dẫn truyền thần kinh. Ở mắt cá chân, dây thần kinh chày sau đi qua ống xơ xương và chia thành các dây thần kinh gan chân trong và ngoài. Hội chứng đường hầm cổ chân liên quan đến chèn ép dây thần kinh trong ống này, nhưng thuật ngữ này đã được áp dụng cho đau dây thần kinh chày sau do bất kỳ nguyên nhân nào.
Viêm màng hoạt dịch các gân gấp của cổ chân gây ra bất thường chức năng bàn chân, viêm khớp , xơ hóa, các kén nang, gãy xương và phù nề do ứ máu tĩnh mạch cổ chân là những yếu tố góp phần gây bệnh. Hội chứng ống cổ chân cũng có thể do các bệnh lý khác gây ra như: Hội chứng bàn chân bẹt nghiêm trọng; Giãn tĩnh mạch ở màng bao quanh dây thần kinh chày; Viêm khớp; Gãy xương; Đái tháo đường...
Dấu hiệu nhận biết mắc hội chứng này bao gồm:
-
Tê bì.
-
Cảm giác như kim châm.
-
Mất cảm giác ở ngón chân và lòng bàn chân.
-
Ngứa ran.
-
Suy yếu khả năng uốn cong bàn chân, bẻ quặp các ngón chân.
Cơn đau cùng những dấu hiệu đi kèm của hội chứng này thường trở nên trầm trọng hơn khi vận động nhiều và mạnh. Người bệnh sẽ bị đau, ngứa ran cả trong lúc ngủ hoặc nghỉ ngơi.
Hội chứng ống cổ chân nếu không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn và không thể phục hồi. Ảnh minh họa
Phương pháp điều trị và cách dự phòng
Khi đi khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về sự tiến triển của các triệu chứng, tiền sử bệnh lý ở khu vực xung quanh cổ chân. Lúc này, bạn được kiểm tra bàn chân và mắt cá chân, xem có bị một dị tật nào không rồi thực hiện xét nghiệm như đo điện cơ, MRI…
Để hạn chế và phục hồi, các bác sĩ khuyên bệnh nhân:
-
Nghỉ ngơi, ngưng vận động mạnh.
-
Chườm đá đá lên mặt trong mắt cá chân và bàn chân nhiều lần trong ngay, mỗi lần cách nhau 1 tiếng.
-
Băng ép và kê cao chân sẽ giảm lưu lượng máu đến bàn chân, do đó giảm viêm nhanh chóng.
-
Đi giày chuyên dụng cũng giúp giảm căng tức quanh bàn chân.
-
Các bài tập vật lý trị liệu rất hiệu quả, có tác dụng kéo giãn, tăng cường các mô liên kết, vận động dây thần kinh chày và mở không gian khớp xung quanh để giảm chèn ép.
-
Khi chơi thể thao, luôn khởi động trước. Sử dụng băng quấn hoặc nẹp khi tham gia các hoạt động thể thao, đặc biệt là những bộ môn có sự thay đổi hướng đột ngột như bóng đá, bóng chuyền, tennis.
-
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các chất dinh dưỡng tốt cho xương khớp trong bữa ăn hằng ngày như axit béo omega-3. Bổ sung vitamin B, C, canxi… và khoáng chất. Hạn chế thực phẩm nhiều đường, nhiều muối, rượu, bia, thức ăn nhanh để chống bị béo phì.
-
Theo Bs. Ngô Mạnh Tú/suckhoedoisong.vn - 21/04/2023
https://suckhoedoisong.vn/hoi-chung-ong-co-chan-nguyen-nhan-va-giai-phap-169230419144626898.htm