Một số người đang ngủ ngon giấc bỗng giật mình tỉnh dậy vì ra mồ hôi, thậm chí ướt đẫm dù nhiệt độ phòng mát mẻ. Đây có phải là hiện tượng bình thường không hay là dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn nào đó?
1. Những lý do khiến đổ mồ hôi đêm
Đổ mồ hôi là điều bình thường và là một trong những cách chính giúp cơ thể bạn mát mẻ. Khi đang tập luyện thể thao hay tắm nắng ngoài trời vào một ngày hè nóng nực, đổ mồ hôi là một phản ứng bình thường của cơ thể. Nhưng bạn có thể thấy mình đổ mồ hôi vào những thời điểm bất ngờ và tương đối không hoạt động chẳng hạn như khi bạn đang cố chợp mắt trên giường vào ban đêm.
Vậy điều gì gây ra mồ hôi đêm?
BS. Margarita Oks, chuyên khoa phổi và Phó giám đốc Trung tâm Giấc ngủ tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York cho biết, đổ mồ hôi khi ngủ còn được gọi là "đổ mồ hôi đêm". Đổ mồ hôi đêm được định nghĩa là những đợt đổ mồ hôi rất nhiều khi bạn đang ngủ thậm chí đến mức mồ hôi thấm đẫm quần áo và ga trải giường của bạn.
Nếu không phải do môi trường ngủ như đắp chăn dày, mặc nhiều quần áo, nhiệt độ phòng nóng khiến bạn đổ mồ hôi thì hãy nghĩ đến những lý do như: phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, thuốc men, nhiễm trùng, rối loạn giấc ngủ, căng thẳng.
Giai đoạn mãn kinh dẫn đến những thay đổi về nội tiết tố có thể gây hiện tượng đổ mồ hôi đêm.
Mãn kinh
Trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ trải qua những thay đổi lớn trong quá trình sản xuất hormone như estrogen và progesterone của cơ thể. Những thay đổi nội tiết tố này khiến nhiều người tuổi mãn kinh có những thay đổi về nhiệt độ cơ thể, dẫn đến các triệu chứng như bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều và đổ mồ hôi ban đêm.
Thuốc
Theo BS. Margarita Oks, một số loại thuốc có thể gây đổ mồ hôi như một tác dụng phụ. Các loại thuốc phổ biến có thể khiến bạn đổ mồ hôi vào ban đêm bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc trị đái tháo đường và steroid.
Tình trạng nhiễm trùng
BS. Denise Pate, Giám đốc y tế của Văn phòng Y tế Manhattan cho biết, một số bệnh nhiễm trùng và bệnh tật cũng có thể gây đổ mồ hôi đêm bao gồm HIV, nhiễm nấm, viêm tủy xương (nhiễm trùng xương), viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng lớp lót bên trong tim) và bệnh lao (một bệnh phổi do vi khuẩn).
Nếu thường xuyên đổ mồ hôi đêm nên đi khám để loại trừ bệnh lý.
Cường giáp
Ở những người có tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp ), tuyến này tạo ra nhiều hormone tuyến giáp hơn mức cơ thể cần. Theo BS. Pate, khi tuyến giáp tiết ra quá nhiều hormone tuyến giáp và làm việc quá sức, nó có thể làm tăng nhiệt độ và quá trình trao đổi chất của cơ thể, khiến mọi người đổ mồ hôi.
Bệnh ung thư
BS. Pate cho biết, đổ mồ hôi vào ban đêm cũng có thể là triệu chứng của một số loại ung thư hoặc tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư. Ví dụ, ung thư hạch Hodgkin, ung thư hạch không Hodgkin và bệnh bạch cầu là những loại ung thư thường gây đổ mồ hôi ban đêm. Ước tính đổ mồ hôi ban đêm ảnh hưởng đến 41% phụ nữ mãn kinh và 80% những người mắc một số bệnh như lao và ung thư hạch.
Chứng ngưng thở lúc ngủ
Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ (một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng khiến hơi thở của họ ngừng lại hoặc thở rất nông khi họ đang ngủ) có thể bị đổ mồ hôi ban đêm vì cần phải nỗ lực nhiều hơn để thở vào ban đêm.
Lo lắng và căng thẳng
Khi bạn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi hoặc choáng ngợp về mặt tinh thần, bạn cũng có thể có các triệu chứng lo âu về thể chất.
Ví dụ, căng thẳng cảm xúc có thể dẫn đến tăng nhịp tim và hô hấp của bạn. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng về cảm xúc trước khi đi ngủ, điều đó cũng có thể gây đổ mồ hôi khi bạn đang ngủ.
Rượu bia
Hành vi lối sống như những gì bạn ăn và uống trước khi đi ngủ cũng có thể khiến bạn dễ bị đổ mồ hôi ban đêm. Ví dụ, nếu bạn uống đồ uống có cồn trước khi đi ngủ, cơ thể bạn sẽ cố gắng chuyển hóa chất cồn, điều này có thể khiến bạn đổ mồ hôi khi ngủ.
Nếu đổ mồ hôi ban đêm không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hoặc chất lượng giấc ngủ của bạn, có một số thay đổi mà bạn có thể thực hiện đối với môi trường ngủ và lối sống ban ngày có thể hữu ích.
Uống đủ nước để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
2. Một số mẹo được chuyên gia khuyên dùng để giảm bớt chứng đổ mồ hôi đêm
Để giảm đổ mồ hôi vào ban đêm, điều đầu tiên là hãy thử giảm nhiệt độ phòng ngủ, mặc quần áo rộng và nhẹ, đồng thời tránh các chất kích thích đổ mồ hôi như thức ăn cay hoặc rượu trước khi đi ngủ, cụ thể:
- Giữ cho phòng ngủ của bạn mát mẻ. Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ khuyến nghị nhiệt độ phòng là 68 độ F (20 độ C) để ngủ, nhưng một số người có thể cảm thấy thoải mái hơn với nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn.
- Dùng quạt hoặc mở cửa sổ. Sử dụng quạt hoặc mở cửa sổ có thể giúp lưu thông không khí, giữ cho phòng ngủ và cơ thể bạn mát mẻ trong khi bạn ngủ.
- Mặc quần áo làm từ vải thoáng khí và thấm ẩm. Quần áo rộng, nhẹ được làm từ chất liệu thoáng khí như cotton có thể giúp bạn mát mẻ và khô ráo vào ban đêm.
- Sử dụng bộ đồ giường hút ẩm. Ga trải giường, vỏ gối và vỏ nệm làm từ vật liệu hút ẩm như tre hoặc vải lanh có thể hút ẩm và ngăn giữ nhiệt.
- Giữ nước. Uống nhiều nước trong suốt cả ngày để giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và giảm nguy cơ mất nước, vốn có thể làm đổ mồ hôi ban đêm trầm trọng hơn.
- Hạn chế caffein, rượu và thức ăn cay trước khi đi ngủ. Tránh thức ăn và đồ uống có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và khiến bạn đổ mồ hôi, đặc biệt là vào cuối ngày hoặc gần giờ đi ngủ.
- Thực hành các kỹ thuật thư giãn. Căng thẳng và lo lắng có thể gây đổ mồ hôi ban đêm. Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, hít thở sâu hoặc yoga có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
3. Khi nào cần gặp bác sĩ điều trị đổ mồ hôi đêm?
Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng đổ mồ hôi đêm và nó không làm gián đoạn giấc ngủ hoặc chất lượng cuộc sống của bạn, thì đó có thể không phải là lý do để lo lắng. Nhưng nếu những điều chỉnh trên không giúp ích gì và tình trạng đổ mồ hôi ban đêm của bạn dường như trở nên tồi tệ hơn hoặc thường xuyên hơn, thì đã đến lúc bạn nên gặp bác sĩ, đặc biệt nếu nó ảnh hưởng đến khả năng ngủ của bạn.
BS. Oks cho biết: "Nếu đổ mồ hôi ban đêm có liên quan đến điều kiện môi trường thì điều này không đáng lo ngại và có thể được kiểm soát độc lập. Nếu tình trạng đổ mồ hôi ban đêm khởi phát cấp tính (bắt đầu đột ngột), tiến triển nhanh chóng và có liên quan đến các triệu chứng khác thì bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt".
Hoàng Nam/suckhoedoisong.vn - 21/04/2023
(Theo verywellhealth)
https://suckhoedoisong.vn/do-mo-hoi-vao-ban-dem-co-binh-thuong-khong-169230421000643967.htm