Đối với bệnh nhân suy tim, chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp với tình trạng bệnh có vai trò đặc biệt quan trọng.
Suy tim là tình trạng tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả, thường xảy ra do tim quá yếu hoặc xơ cứng.
Theo TS.BS Ngô Tuấn Anh, Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện TWQĐ108, suy tim làm cho hoạt động bơm máu của tim trở nên khó khăn hơn và người bệnh thường thấy khó thở, mệt mỏi.
1. Nguyên nhân gây suy tim
TS.BS. Ngô Tuấn Anh cho biết, tim được chia làm hai phần, bên tim phải (gồm nhĩ phải, thất phải) và tim trái (gồm nhĩ trái, thất trái). Mỗi phần có các nguyên nhân khác nhau dẫn đến suy tim.
-
Suy tim trái thường do các nguyên nhân như: Tăng huyết áp động mạch, bệnh van tim, hở van 2 lá, hở/hẹp van động mạch chủ, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, bệnh tim bẩm sinh...
-
Nguyên nhân dẫn đến suy tim phải: Bệnh phổi mạn tính (hen phế quản, viêm phế quản mạn, giãn phế nang, giãn phế quản, xơ phổi), tăng áp lực động mạch phổi, nhồi máu phổi, gù vẹo cột sống và dị dạng lồng ngực, hẹp van 2 lá, một số bệnh tim bẩm sinh: thông liên nhĩ, thông liên thất.
-
Nguyên nhân suy tim toàn bộ là do: Suy tim trái phát triển thành suy tim toàn bộ; Viêm tim toàn bộ do thấp tim, viêm cơ tim; Bệnh cơ tim giãn.
-
-
Suy tim do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác ảnh hưởng đến chức năng của tim như bệnh cường giáp trạng, thiếu vitamin B1, thiếu máu nặng, rò động mạch - tĩnh mạch, viêm cơ tim do virus hoặc các tác nhân gây nhiễm trùng khác… cũng có thể dẫn đến suy tim.
Bên cạnh đó, một số yếu tố thúc đẩy cũng khiến tình trạng suy tim trở nặng bao gồm: Chế độ ăn nhiều muối, lạm dụng rượu; Không tuân thủ dùng thuốc trong điều trị; Thiếu máu, tăng huyết áp, mang thai; Sử dụng một số loại thuốc có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh như thuốc chẹn canxi, chẹn bêta, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chống loạn nhịp,...
2. Thay đổi lối sống có thể cải thiện tình trạng suy tim
Các triệu chứng suy tim có thể diễn biến nhanh (suy tim cấp tính) hoặc diễn ra dần dần trong vài tuần hoặc vài tháng (suy tim mạn tính). Để điều trị suy tim, các biện pháp chung là thay đổi lối sống, theo dõi chặt chẽ và sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Theo BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành), nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh suy tim, thay đổi lối sống có thể giúp ngăn tình trạng bệnh nặng hơn; ngăn ngừa phát triển một số bệnh mạn tính như đái tháo đường type 2, ung thư, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và cải thiện sức khỏe tổng thể. Một chế độ ăn uống cân bằng có thể giúp người bệnh suy tim cải thiện các triệu chứng và khiến cho cơ thể khỏe mạnh hơn.
Để bắt đầu, hãy cố gắng ăn nhiều loại trái cây và rau quả tươi mỗi ngày. Trái cây và rau quả chứa ít calo, có thể giúp bạn duy trì cân nặng khỏe mạnh. Chúng cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và nhiều chất xơ, giúp cơ thể bạn điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm cholesterol.
Duy trì trọng lượng khỏe mạnh có thể dẫn đến cải thiện đáng kể huyết áp, cholesterol và các bệnh đồng mắc liên quan đến tăng cân.
Một chất dinh dưỡng cần cân nhắc khi lựa chọn thực phẩm là kali, vì một số loại thuốc điều trị suy tim có thể ảnh hưởng đến mức kali trong cơ thể bạn. Hầu hết các thuốc lợi tiểu có thể dẫn đến mất kali, trong khi thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) có thể làm tăng lượng kali.
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch tổng thể cũng như giúp ngăn ngừa suy tim và nhiều bệnh mạn tính khác. Người bệnh suy tim nên trao đổi với bác sĩ điều trị để xây dựng chế độ tập luyện phù hợp với mình.
3. Những yếu tố nguy hại người bệnh suy tim cần tránh
3.1 Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ. Các hóa chất trong thuốc lá có thể trực tiếp làm hỏng các động mạch và góp phần gây ra chứng suy tim sung huyết. Carbon monoxide trong khói thuốc lá có thể thay thế oxy trong máu, buộc tim phải bơm mạnh hơn. Do đó, nếu bạn đang hút thuốc hãy ngừng hút, tác động tích cực đến sức khỏe của bạn sẽ xuất hiện gần như ngay lập tức.
3.2 Không uống rượu, bia
Rượu, bia có thể làm ngăn cản tim bơm máu tốt như trước đây và có thể làm suy yếu cơ tim. Tốt nhất nên tránh rượu bia dưới mọi hình thức, kể cả rượu vang.
3.3 Giảm tiêu thụ muối
Tiêu thụ quá nhiều muối (natri) có thể dẫn đến giữ nước ở những người khỏe mạnh nhất. Ở những người bị suy tim, lượng natri dư thừa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Nó cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim hiện có.
3.4 Kiêng thực phẩm chế biến sẵn
Các loại ngũ cốc chế biến sẵn, như bánh mì trắng, gạo trắng, mì ống trắng và nhiều loại ngũ cốc ăn sáng có đường thường chứa ít chất xơ và chứa nhiều natri, chất béo chuyển hóa. Thay vì ngũ cốc chế biến, hãy sử dụng ngũ cốc nguyên hạt. Giống như trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất dinh dưỡng và là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời.
BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành):
Nếu đã phát triển suy tim, các biện pháp can thiệp lối sống có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Điều quan trọng là phải theo dõi sức khỏe thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ, luôn tích cực và chủ động về những thay đổi bền vững, lành mạnh mà bạn có thể thực hiện vì lợi ích của trái tim mình.
3.5 Tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo
Thực phẩm chứa nhiều chất béo và calo có thể góp phần gây béo phì và các biến chứng đối với tim mạch. Chất béo bão hòa từ động vật, đặc biệt khi kết hợp với carbohydrate có thể tác động xấu đến sức khỏe của tim.
BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, người bệnh suy tim cần hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, natri, thịt đỏ, nước ngọt, bánh nướng, các loại thực phẩm và đồ uống có lượng lớn đường tinh luyện.
Thức ăn nhanh có chứa nhiều natri và chất béo bão hòa không tốt cho tim mạch.
Tuy nhiên, không phải tất cả chất béo đều xấu. Chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Chúng cũng giúp bạn duy trì huyết áp khỏe mạnh và giảm mức cholesterol "xấu" (LDL), đồng thời tăng lượng cholesterol "tốt" (HDL).
Các nguồn tốt bao gồm dầu ôliu, bơ, quả hạch và hạt. Người bệnh cũng cần giảm hoặc loại bỏ một số loại thực phẩm và đồ uống khỏi chế độ ăn uống của mình, đặc biệt là những thứ làm tăng khả năng giữ nước, góp phần gây ra các vấn đề về đường huyết hoặc dẫn đến béo phì.
Theo Thiên Châu/suckhoedoisong.vn - 22/04/2023
https://suckhoedoisong.vn/nhung-yeu-to-nguy-hai-trong-dinh-duong-nguoi-benh-suy-tim-can-tranh-de-benh-khong-nang-hon-169230420160514663.htm