Cập nhật: 27/04/2023 10:00:00
Xem cỡ chữ

Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng khá phổ biến hiện nay, gây ra không ít vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, nếu không được can thiệp thích hợp, bệnh có thể tiến triển nặng hơn và làm xuất hiện một số biến chứng đáng kể.

Theo các thống kê ở Pháp, suy giãn tĩnh mạch chân mãn tính chiếm đến 1% ở nam giới và 4,5% nữ giới ở tuổi trưởng thành, trong đó có hơn 70% là nữ và khoảng 30% ở những người đang làm việc.

Đối với người trên 50 tuổi thì có đến 75-80% bị suy giãn tĩnh mạch chân. Trong đó có đến 2/3 bệnh nhân gặp phải biến chứng.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân chủ yếu ở chi dưới khi máu từ chân trở về tim bị cản trở, gây ứ trệ tuần hoàn ở chi dưới.

Ngày nay suy giãn tĩnh mạch chân được xem như là bệnh lý thời đại bên cạnh bệnh tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường khi tần suất mắc bệnh tăng nhanh trong dân số.

Đặc biệt suy giãn tĩnh mạch chân tỷ lệ mắc phải ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới, vì vậy, biện pháp phòng bệnh là hết sức quan trọng.

1. Nguyên nhân của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân

Suy giãn tĩnh mạch chân là hậu quả của tình trạng viêm thành tĩnh mạch chân làm hư hại van tĩnh mạch chân gây nên hiện tượng trào ngược máu tĩnh mạch xuống chân với nhiều lý do khác nhau như: đứng lâu trong thời gian dài (thợ đứng máy, người đầu bếp…) ngày này qua ngày khác lâu dần; hoặc ngồi quá lâu do đặc thù nghề nghiệp; hoặc mặc quần quá chật hay gặp ở phụ nữ; hoặc phụ nữ dùng thuốc tránh thai dài hạn làm cản trở máu từ chân trở về tim gây ứ trệ tuần hoàn, từ đó tĩnh mạch dần dần giãn ra và khó hồi phục.

Do ứ máu cho nên chân dần dần giãn to ra, phù chân to ra từ đó đến mắc suy giãn tĩnh mạch chân và huyết khối tĩnh mạch sâu.

2. Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân

- Trong giai đoạn đầu, người bệnh có cảm giác tức nặng, mỏi hai chân, đôi khi thấy phù chân vào cuối ngày, nhất là sau khi đứng nhiều giờ, đồng thời xuất hiện đau bắp chân, chuột rút nhất là về đêm hoặc một số người có cảm giác tê, ngứa ở cẳng chân và bàn chân.

- Đau khi đi lại nhiều, sưng nề, tím ở cẳng chân và mu bàn chân càng càng nặng thêm. Cảm giác tê, ngứa ở chân, nặng hơn và có thể xuất hiện viêm da, xơ cứng, lở loét.

- Trong giai đoạn sau của bệnh, cả người bệnh và bác sĩ khám bệnh có thể nhìn thấy hoặc quan sát được các búi tĩnh mạch nổi rõ ngoằn ngoèo dưới da, nhất là vùng khoeo chân. Bệnh càng ngày có thể nặng dần lên và xuất hiện loét kheo, da bắp chân, mu bàn chân do thiếu dinh dưỡng hoặc xuất hiện viêm tĩnh mạch hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu.

- Vào giai đoạn đã bị loét da chân, xuất hiện huyết khối tĩnh mạch cho dù được điều trị tích cực nhưng các triệu chứng này chỉ thuyên giảm chậm và rất khó khỏi. Nếu gặp ở phụ nữ đang mang thai bệnh có thể tăng nặng thêm do chèn ép máu tĩnh mạch về tim nhiều hơn và thêm vào đó là có sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ làm xấu thêm tình trạng giãn tĩnh mạch chân. Cảm giác tức nặng và mỏi ở chi dưới khi đứng quá lâu càng ngày càng tăng.

3. Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân?

  • Người lớn trên 50 tuổi;

  • Người lao động phải đứng nhiều giờ, nhiều ngày;

  • Những người phải ngồi nhiều một chỗ như bán hàng, ngồi làm việc do đặc thù nghề nghiệp

  • Những người thường xuyên mặc quần quá chật, bó sát hai chân hoặc đi giày cao gót thường xuyên

  • Phụ nữ mang thai nhiều lần, sử dụng thuốc ngừa thai liên tục hay cũng có thể bố mẹ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân…

Họ đều là những đối tượng có nguy cơ của bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới.

Nhận biết nguyên nhân và đề phòng suy giãn tĩnh mạch chân - Ảnh 4.

Nên mát xa chân để phòng bệnh.

4. Phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch

Để phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch nên thực hiện những điều sau:

- Không đi đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu,

- Khi nằm nghỉ, ngủ nên kê chân cao bằng một chiếc gối mềm.

- Hàng ngày nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao, nên tập đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày.

- Một việc làm có thể thực hiện dễ dàng trước khi đi ngủ buổi tối là xoa bóp và ngâm chân trong nước ấm từ 15- 20 phút mỗi ngày.

- Phụ nữ cần hạn chế đi giày cao gót hoặc hạn chế mặc quần bó sát người và hạn chế sử dụng thuốc tránh thai dài ngày (nên thay đổi biện pháp tránh thai cho phù hợp do bác sĩ chuyên khoa tư vấn).

- Hàng ngày ăn nhiều chất xơ, vitamin và uống nhiều nước.

Theo PGS.TS Bùi Mai Hương/suckhoedoisong.vn - 27/04/2023

https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-nguyen-nhan-va-de-phong-suy-gian-tinh-mach-chan-169230424110321935.htm