Cập nhật: 12/05/2023 08:24:00
Xem cỡ chữ

Ung thư đại tràng là u xuất hiện ở phần ruột già có khả năng phát triển tại chỗ, xâm lấn ra các cơ quan xung quanh hoặc di căn đến các cơ quan ở xa khác.

Ung thư đại tràng thường bắt đầu từ những khối tế bào nhỏ, lành tính được gọi là polyp hình thành bên trong đại tràng. Theo thời gian, một số polyp này có thể trở thành ung thư đại tràng.

Ung thư đại tràng tiến triển chậm

Ung thư đại tràng là một bệnh lý hay gặp ở nước ta, theo nghiên cứu đây là loại ung thư đứng hàng thứ hai sau ung thư dạ dày trong ung thư đường tiêu hoá. Trên thế giới, ung thư đại tràng có tỷ lệ mắc bệnh khác nhau ở mỗi nước, những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại tràng cao là: Mỹ, Anh, Canada, Úc…. tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, ở những nước công nghiệp phát triển thì tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại tràng nhiều.

Đặc điểm đặc trưng, ung thư đại tràng tiến triển chậm và di căn muộn hơn so với các loại ung thư khác. Nếu phát hiện và được điều trị sớm thì tỷ lệ sống trên 5 năm tới 80% – 90%. Cũng như các loại ung thư khác, mặc dầu ung thư đại tràng tiến triển chậm nhưng nó cần phải được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời thì mới đạt kết quả tốt được. Ở nước ta, thực tế cho thấy bệnh nhân ung thư thường đến rất muộn, nên tỷ lệ sống trên 5 năm rất thấp.

Đối tượng dễ mắc ung thư đại tràng, liệu bạn có là đối tượng có nguy cơ không? - Ảnh 1.

Hình ảnh ung thư đại tràng trên X- quang đại tràng và hình ảnh ung thư đại tràng qua nội soi đại tràng.

Ai có nguy cơ mắc ung thư đại tràng?

Vậy câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất là đối tượng nào dễ mắc ung thư đại tràng, liệu mình có thuộc trong nhóm nguy cơ dễ mắc bệnh không?

Các nhà khoa học đã nghiên cứu rằng, những nhóm đối tượng sau dễ mắc ung thư đại tràng, bao gồm:

1. Người tuổi trên 50

Độ tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư đại tràng càng cao. Theo các nghiên cứu, có tới 90% bệnh nhân ung thư đại tràng có độ tuổi trên 50. Các nhà khoa học cho rằng các yếu tố phát triển kích thích niêm mạc của đại tràng sẽ tăng dần lên theo tuổi tác. Do đó, hầu hết các bệnh nhân ung thư đại trực tràng đều xuất hiện và phát triển bệnh phổ biến ở giai đoạn trên 50 tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ hóa ở căn bệnh này ngày càng gia tăng, khá nhiều bệnh nhân mắc ở độ tuổi còn 40-45 tuổi.

2. Người viêm loét đại tràng mạn tính

Những người viêm loét đại tràng mạn tính, bệnh Crohn đại tràng … thì có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại tràng. Theo nghiên cứu, những người mắc bệnh viêm ruột, viêm loét đại tràng, bệnh CROHN có tỷ lệ mắc bệnh ung thư đại trực tràng cao gấp 30 lần so với người lớn khỏe mạnh. Nguy cơ tăng lên phụ thuộc vào số lượng ổ viêm và thời gian mắc bệnh; nếu ruột già bị viêm toàn bộ và bị viêm loét 10 năm trở lên thì nguy cơ mắc ung thư rất cao.

Đối tượng dễ mắc ung thư đại tràng, liệu bạn có là đối tượng có nguy cơ không? - Ảnh 2.

Lười ăn rau xanh, ăn ít chất xơ nhiều chất béo có nguy cơ tăng ung thư đại tràng.

3. Người lối sống thiếu lành mạnh, chế độ dinh dưỡng bất hợp lý

Một vài nhân tố lối sống có thể tăng nguy cơ ung thư đại tràng, nhóm người này có những đặc điểm sau:

+ Ăn ít trái cây và rau xanh.

+ Ăn ít chất xơ và nhiều chất béo.

+ Béo phì thừa cân.

+ Ăn nhiều loại thịt đỏ.

+ Uống rượu bia, thuốc lá.

4. Người có yếu tố di truyền

Trong gia đình có người bị ung thư đại tràng làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng nếu thành viên đó có quan hệ gần nhất với người bệnh (cha mẹ, anh chị em, con cái), đặc biệt nếu nhiều thành viên trong gia đình bị bệnh hoặc nếu ung thư xuất hiện sớm (trước 45 tuổi).

Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, nếu người có tiền sử gia đình có người bị ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng. Bệnh di truyền: đa polyp tuyến gia đình…thì sẽ có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo: Nếu trong gia đình có người thân bị polyp đại tràng thì nên nội soi đại tràng sớm hơn từ 40 tuổi.

5. Người có Polyp đại tràng

Polyp là một trong những yếu tố chủ yếu thuộc nguyên nhân gây ra tiền ung thư đại trực tràng. Trong đó, các dạng polyp adenoma, villous có nguy cơ đến 25% phát triển thành ung thư.

Vì vậy, người đã từng bị polyp hoặc ung thư đại tràng sẽ tăng nguy cơ tái phát bệnh. Những người đã bị polyp tuyến trước độ tuổi 60 thì cũng tăng nguy cơ phát triển ung thư đại tràng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, khi phát hiện polyp và sau khi cắt polyp, tùy theo mức độ mà người bệnh nên tầm soát định kỳ từ 6 tháng đến 1-2 năm một lần.

Tóm lại: Ung thư đại tràng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu chúng ta phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Thường ung thư đại tràng sẽ không có biểu hiện gì trong một thời gian dài ủ bệnh nhưng khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ cần đi khám ngay.

Ngoài ra, nếu nằm trong những nhóm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng trên thì cần thay đổi thói quen sinh hoạt, vận động và khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh sớm và chữa trị.

Việc cần khám sức khỏe định kỳ cần thực hiện theo khuyến cáo của bác sĩ 6 tháng 1 lần. Riêng với những người thuộc nhóm có nguy cơ cao thời điểm bắt đầu tầm soát là trên 45 tuổi. Nếu có người thân bị ung thư đại tràng, nên tầm soát từ 10 năm trước so với tuổi của người trẻ nhất bị ung thư trong gia đình.

Theo BS. Nguyễn Thị Hà/suckhoedoisong.vn - 11/05/2023

 https://suckhoedoisong.vn/ai-de-mac-ung-thu-dai-trang-lieu-ban-co-thuoc-nhom-doi-tuong-nguy-co-169230510154752654.htm