Cập nhật: 13/05/2023 08:00:00
Xem cỡ chữ

Sáng 13/5, đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm và làm việc tại Công ty TNHH Solum Vina, Khu công nghiệp Bá Thiện 2, huyện Bình Xuyên. Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tinh.

 Nhà khoa học kiểm tra các mẫu vật được lưu trữ tại Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. (Ảnh XUÂN NGỌC)

 

Trước xu hướng và yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trên nền tảng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng ủy và lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận thức sâu sắc tiềm năng nguồn nhân lực hiện có và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng các yêu cầu.

Năm 2014, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành Quyết định 699/QĐ-VHL về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện nhằm khuyến khích lao động sáng tạo, tạo môi trường để mọi cán bộ có khả năng đóng góp cho xã hội được nhiều nhất, bảo đảm quyền lợi về lao động sáng tạo, sở hữu trí tuệ, đánh giá công bằng trong lao động khoa học.

Trên cơ sở đó, các đơn vị trực thuộc đã xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là công tác cán bộ, kế hoạch, tài chính, tài sản, giao nhận đề tài… Để huy động sự tham gia tích cực của đội ngũ trí thức vào hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thí điểm tổ chức các diễn đàn khoa học về các lĩnh vực chuyên sâu, làm nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội.

Các diễn đàn đã thu hút hàng nghìn nhà khoa học, trí thức tham gia; các ý kiến đóng góp mang tính toàn diện nhằm phát triển các lĩnh vực khoa học chuyên sâu, thúc đẩy khoa học và công nghệ trở thành động lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Từ khi Nghị định 40/2014/NĐ-CP có hiệu lực (năm 2014) đến nay, nhiều chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai, như: tuyển dụng đặc cách; bổ nhiệm đặc cách vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ; kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu; ưu đãi cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ có chức danh giáo sư, phó giáo sư…

Lãnh đạo Vụ Tổ chức-Cán bộ và Kiểm tra, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện thường xuyên, minh bạch, các nhà khoa học được hỗ trợ tối đa trong việc xây dựng hồ sơ.

Đối với các nhà khoa học có trình độ cao, đã được bổ nhiệm vào chức danh giáo sư, phó giáo sư được xét bổ nhiệm đặc cách các chức danh nghề nghiệp, tạo nhiều cơ hội, thuận lợi cho các nhà khoa học trẻ có thành tích cao. Việc kéo dài thời gian công tác đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ đã tạo điều kiện để các nhà khoa học còn đủ sức khỏe, tâm huyết có thời gian cống hiến nhiều hơn cho công tác nghiên cứu khoa học.

Nhìn chung, các chính sách này đã góp phần “giữ chân” các nhà khoa học tài năng, giàu kinh nghiệm để họ có điều kiện tiếp tục đóng góp cho nghiên cứu khoa học và giúp đỡ, đào tạo thế hệ trẻ.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có những chính sách phù hợp để phát huy năng lực, tiềm năng của các nhà khoa học. Từ năm 2018, Viện đã triển khai chương trình hỗ trợ nghiên cứu viên cao cấp, với việc hỗ trợ kinh phí để các nhà khoa học có trình độ cao nắm bắt các xu thế mới, lĩnh vực mới trong khoa học, công nghệ, xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc trong từng lĩnh vực chuyên môn sâu, xây dựng các nhóm nghiên cứu đa ngành, liên ngành.

Đáng chú ý, có nhiều chính sách dành riêng cho cán bộ khoa học trẻ, giỏi để họ ngày càng gắn bó với công tác nghiên cứu khoa học, là điều kiện cần để đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học độc lập, đạt chuẩn quốc tế, như: ưu tiên xét tuyển viên chức, ưu tiên tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu, ưu tiên đào tạo tại nước ngoài, chương trình đào tạo tiến sĩ chất lượng quốc tế tại Viện Hàn lâm, chương trình sau tiến sĩ, chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ vào công tác tại Viện Hàn lâm, Chương trình phát triển nhóm nghiên cứu xuất sắc tại Viện Hàn lâm...

Từ năm 2012, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai Chương trình hỗ trợ cán bộ khoa học trẻ, với việc mở mới các đề tài nghiên cứu để cho cán bộ trẻ đăng ký. Đến nay, đã có 103 nhiệm vụ được các cán bộ trẻ thực hiện, với “đầu ra” là các công bố trên tạp chí quốc tế, đăng ký phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích.

Bên cạnh đó, từ năm 2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã “mở” các đề tài dành cho các nhà khoa học trẻ tài năng dưới 40 tuổi nhưng không thuộc biên chế của các đơn vị sự nghiệp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chủ trương này nhằm tạo điều kiện cho cá nhân thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ quan trọng, phát huy tài năng và được hưởng lợi ích xứng đáng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong giai đoạn tới, đơn vị sẽ gặp khó khăn trong thực hiện các chính sách đối với nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao. Lực lượng cán bộ khoa học vẫn còn mỏng để thực hiện tốt chức năng của một Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ quốc gia trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay.

Trong khi đó, thực hiện lộ trình tinh giản biên chế mỗi 5 năm giảm 10% đã khiến thiếu biên chế tuyển dụng các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ tài năng ở nước ngoài về.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà khoa học có trình độ cao, có chức danh giáo sư, phó giáo sư đã xin nghỉ sớm hơn quy định để có biên chế đã tạo ra khoảng trống giữa các thế hệ, gây khó khăn không nhỏ trong nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ nghiên cứu khoa học kế cận.

Gần đây, việc sáp nhập để tinh gọn bộ máy dẫn đến nhiều chuyên ngành khoa học, công nghệ phải sáp nhập, một số chuyên ngành khoa học, công nghệ cơ bản có nguy cơ bị mất, thiếu nhân lực cho phát triển các chuyên ngành khoa học công nghệ mới.

Trước sự phát triển nhanh của khoa học trên thế giới, một vài lĩnh vực khoa học trong Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam còn chậm đổi mới để tiếp nhận kiến thức, thích ứng được với sự phát triển nhanh chóng của nền khoa học thế giới.

Khoa học và công nghệ là động lực then chốt trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, trong đó đội ngũ trí thức đóng vai trò quan trọng, do vậy, cần có sự quan tâm đặc biệt. Theo lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thời gian tới, Viện tiếp tục hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức cống hiến, sáng tạo.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực trẻ, giỏi trong và ngoài nước nhằm tiếp thu công nghệ mới phù hợp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ thế giới; có chiến lược, chính sách và cơ chế ưu tiên phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ bao gồm cả lực lượng cán bộ đầu ngành, các chuyên gia; đầu tư cơ sở vật chất cho các ngành khoa học cơ bản, ứng dụng ngang bằng các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó ưu tiên xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại đủ khả năng thực hiện các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt trình độ quốc tế, từ đó, thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao.

Theo HÀ LINH/nhandan.vn - 13/05/2023

https://nhandan.vn/phat-huy-tiem-nang-cac-nha-khoa-hoc-post752444.html