Huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào Bana.
Cứ vào cuối tháng 3 mỗi năm, hàng trăm cây trang rừng cổ thụ nở hoa rực rỡ phủ kín hai bên bờ suối Tà Má thuộc thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh. Vẻ đẹp của suối Tà Má và hàng trăm cây trang rừng cổ thụ ở đây đã thu hút nhiều người tìm đến. Thế nhưng tại đây, chỉ có một vài hộ dân làm du lịch tự phát. Họ dựng chòi lá cho du khách thuê ngồi hóng mát và bán một số món ăn đặc sản địa phương như gà, vịt nướng. Chị Nguyễn Thị Bích Vân ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai cùng người bạn đến suối Tà Má để tham quan và rất ấn tượng với cảnh vật và con người nơi đây: “Khu này thực sự là đẹp và còn hoang sơ. Người dân ở đây rất mến khách và thực sự trong lành về cả nguồn nước và sinh thái. Nơi đây còn lưu giữ được những gì hoang dã và thiên nhiên nên mình muốn tới nơi này để vui chơi và tham quan".
Huyện miền núi Vĩnh Thạnh khí hậu mát mẻ, có nguồn tài nguyên phong phú với hệ thống thủy lợi, thủy điện và nhiều sản vật từ rừng. Nơi đây có nhiều điểm đến hấp dẫn như di tích thành đá Tà Kơn; Vùng hoa Anh Đào - Làng K3, xã Vĩnh Sơn. Hiện nay, nhiều ngôi làng ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh còn giữ nét văn hóa đậm bản sắc của đồng bào Bana như: Lễ hội mừng ăn cốm lúa mới, các trò chơi, kiến trúc nhà sàn, dệt thổ cẩm, các điệu dân vũ, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng. Ẩm thực ở địa phương này cũng khá phong phú, với những món ăn đặc trưng như: Cá đá cuốn bánh tráng, heo rẫy nấu đọt mây Vĩnh Sơn, trứng kiến vàng xào bầu, mắm ruột cá đá… Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch và rất cần nguồn lực để triển khai.
Trung tâm huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
“Các danh lam, thắng cảnh, điều kiện tự nhiên ở cũng phù hợp cho một số loại hình du lịch. Giao thông đi lại có một số tuyến chưa đảm bảo nên việc khơi dậy tiềm năng du lịch đối với địa phương cũng còn nhiều trăn trở. UBND huyện Vĩnh Thạnh tham mưu cho các sở, ngành của tỉnh để có một kế hoạch phát triển du lịch, về lâu dài sẽ có một kế hoạch đầu tư để có một số sản phẩm du lịch. Phát huy tiềm năng, điều kiện thiên nhiên xã Vĩnh Sơn, tiểu khí hậu vùng này phù hợp với các loại hình du lịch, cũng như trồng các loại rau, hoa ôn đới", ông nói.
Suối Tà Má thuộc thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh.
Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Định về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025, huyện Vĩnh Thạnh được xác định nằm trong cụm du lịch Tây Sơn - Vĩnh Thạnh và tuyến du lịch Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn - Vĩnh Thạnh. Huyện miền núi Vĩnh Thạnh cũng xác định phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, khai thác lợi thế nhiều sông hồ, thác nước và tắm khoáng nóng. Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Du lịch tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Vĩnh Thạnh và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch phát triển các khu du lịch ở huyện Vĩnh Thạnh như: Suối Tà Má - Làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp; Vùng hoa Anh Đào - Làng K3; Thành đá Tà Kơn, xã Vĩnh Sơn…
Một lễ hội của người Bana ở huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, ngành đang nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống, du lịch sinh thái, cộng đồng và tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch ở huyện Vĩnh Thạnh. “Sở Du lịch tỉnh Bình Định sẽ phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó phát huy được lợi thế du lịch của Vĩnh Thạnh, phát triển các sản phẩm dịch vụ tại đây. Từng bước góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên du lịch. Bước tiếp theo keo gọi đầu tư xây dựng các dự án, mời gọi các nhà đầu tư để phát triển thành các dự án có quy mô và có giá trị hiệu quả cao để thu hút được nhiều khách du lịch”, bà chia sẻ./.
Theo Thanh Thắng/VOV-Miền Trung - 12/05/2023
https://vov.vn/du-lich/binh-dinh-phat-trien-du-lich-xanh-o-mien-nui-post1019679.vov