Nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị cây Trám đen, một cây trồng truyền thống tại địa phương đang cho giá trị kinh tế cao, Viện nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ khoa học và Công nghệ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lập Thạch thực hiện Đề tài nghiên cứu, tuyển chọn cây Trám đen ưu tú, xây dựng mô hình nhân giống, trồng mới và thâm canh, chế biến Trám đen huyện Lập Thạch.
Trước đây cây Trám đen được trồng như những cây lâm nghiệp khác, chủ yếu để lấy gỗ, giá trị không cao nên dần bị cây trồng khác thay thế. Vài năm trở lại đây, khi quả trám cho giá trị cao thì cây Trám mới được chú ý nhiều hơn.
Gia đình ông Nguyễn Kim Cộng ở thôn Lan Hùng, xã Văn Quán hiện còn lưu giữ cây Trám đen mọc tự nhiên từ hạt. Tuy nhiên, do cây cổ thụ nên tán cao đến 25-30m, rất khó trong thu hoạch và cho tỷ lệ đậu quả không đều, có năm được mùa thu gần 1 tấn quả, trị giá khoảng 40 đến 50 triệu đồng/năm, năm mất mùa chỉ cho thu khoảng hơn 1 tạ quả.
Ngoài cây trám đen mọc từ hạt, trong những năm gần đây trên địa bàn huyện cũng có một số hộ dân mua cây Trám ghép về trồng với khoảng 6 ha. Tuy nhiên, do chưa có kỹ thuật trồng, chăm sóc, nguồn giống không đảm bảo nên hiệu quả chưa cao.
Hiện nay, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ các hộ trồng trám thực hiện một số biện pháp kỹ thuật canh tác và thu hái, kết quả vườn Trám của các hộ cho thu hoạch cao hơn hẳn so với những năm trước, với năng suất trung bình đạt 30kg/cây, sản lượng đạt gần 02 tấn, với giá trung bình từ 55-60.000 đ/kg, cho các hộ nguồn thu trên 100 triệu đồng.
Đến thời điểm này, đề tài đã tuyển chọn được giống Trám đen ưu tú để làm nguồn vật liệu nhân giống, mục tiêu tiếp theo là nhân giống được 2.500 cây con Trám đen ghép đủ tiêu chuẩn xuất vườn, xây dựng các mô hình trồng mới Trám đen ghép và mô hình thâm canh tăng năng suất, chất lượng Trám đen. Đồng thời, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, tỉa cành cho người dân để đạt năng suất chất lượng cao nhất.
Thông qua dự án sẽ góp phần phục hồi nghề trồng Trám trên địa bàn huyện Lập Thạch, đồng thời, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật cải thiện giống trám, nâng cao năng suất, chất lượng quả trám, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân trong việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.
Lê Dũng