Các hành vi lừa đảo qua mạng hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều với nhiều phương thức khác nhau. Có những hành vi cần công nghệ cao nhưng có những hành vi rất đơn giản, thông thường
Công nghệ phát triển, giao tiếp và trao đổi qua mạng internet phổ biến và dần thay thế các phương thức thông thường, những biến động về kinh tế- xã hội tác động đến đời sống nhiều người… Đó là những lý do khiến lừa đảo qua mạng ngày càng nhiều chiêu trò tinh vi, khó lường và nhiều người bị lừa.
Trên trang zalo của Phòng Cảnh sát hình sự- Công an TP.HCM thường xuyên có những cảnh báo (ảnh chụp màn hình)
Các cơ quan chức năng, các tổ chức hỗ trợ người dùng mạng internet và các phương thức giao tiếp qua mạng luôn có thêm các giải pháp, sự can thiệp để bảo vệ người dùng. Nhưng trước hết, chính người dùng phải chủ động phòng chống lừa đảo qua mạng, bằng cách tự bảo mật thông tin cá nhân, tiếp nhận thông tin chừng mực và bình tĩnh xử lý tình huống.
Đủ mọi chiêu trò
Bà N.T ở TP.HCM, hơn 60 tuổi, ở nhà nội trợ và thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Bà được giới thiệu một công việc nhằm tăng tương tác cho các trang bán hàng với lời hứa việc nhẹ và có thu nhập đều đặn hàng ngày. Muốn làm việc này, bà phải nộp tiền “thế chân” vào số tài khoản do trưởng nhóm (trên mạng xã hội) cho và họ hứa là khi nào bà không làm nữa thì sẽ trả lại. Nhưng khi bà nhận lời tham gia được vài ngày thì họ lại gợi ý bà nộp tiền để tăng khả năng sinh lợi bằng một hình thức khác. Cứ như thế, đến nay bà đã nộp cho nhóm người này vài chục triệu đồng và rồi họ biến mất.
Nhiều người dính bẫy tương tự như bà T. Người ít thì mất vài triệu, người nhiều thì vài chục triệu và phần lớn “ngậm đắng nuốt cay”, coi như xui rủi.
Điều này cho thấy, đối tượng lừa đảo qua mạng dùng chiêu trò rất bình thường, đánh vào nhu cầu tìm việc, kiếm thêm thu nhập, thậm chí đánh vào lòng tham của nhiều người. Đáng chú ý là chúng bám sát tình hình đời sống để có thủ đoạn khiến nhiều người sập bẫy.
Chẳng hạn, vài tháng trước, khi các bệnh viện thiếu vật tư y tế, thuốc men thì chúng gọi điện báo tin người thân bị tai nạn để lừa chuyển tiền. Hiện nay, tình trạng lao động mất việc gia tăng thì chúng thường xuyên gửi tin nhắn hoặc quảng cáo trên mạng xã hội về tuyển dụng lao động hay cung cấp việc làm thêm tại nhà…
Các đối tượng lừa đảo còn mạo danh các cơ quan nhà nước khiến người dân hoang mang, lo lắng, thậm chí chuyển tiền theo yêu cầu.
Ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, các hành vi lừa đảo qua mạng hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều với nhiều phương thức khác nhau. Có những hành vi cần công nghệ cao nhưng có những hành vi rất đơn giản, thông thường, ví dụ như các cuộc gọi điện thoại lừa đảo. Thật ra chúng ta hầu như biết hết các việc đó nhưng khi rơi vào tình trạng đó thì vẫn bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.
Bất cứ ai cũng có thể bị giả mạo bằng deepfake (ảnh minh họa của CyberJutsu)
Ở một khía cạnh khác, các đối tượng lừa đảo dùng công nghệ cao tấn công các website, đánh cắp dữ liệu của các tổ chức, đơn vị hay chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội cá nhân để lừa đảo. Hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng đã trở nên phổ biến và phức tạp, có chiều hướng gia tăng hơn. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã thu thập trái phép thông tin cá nhân của người dân hoặc giả mạo các tổ chức tài chính, ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Ông Nguyễn Mạnh Luật, Giám đốc điều hành Trung tâm đào tạo kiến thức và kỹ năng về An toàn thông tin CyberJutsu, cảnh báo: "Trong thời đại 4.0 này chúng ta đối mặt với nhiều sức ép, nhiều rủi ro nhằm vào lừa đảo. Điểm chung của tất cả các tấn công này là sự khuếch tán, lây lan rất cao, rất mạnh. Trước đây muốn lừa ai thì hacker phải nghiên cứu về người đó, viết email lừa và gửi email. Còn bây giờ đưa cho AI, chat GPT sẽ tự viết email, đưa cho deepfake sẽ tự động fake hết. Tức là trong khoảng thời gian ngắn, hacker có thể tấn công hàng loạt nạn nhân cùng lúc".
Người dùng phải làm sao?
Hiện nay, tốc độ phát triển của công nghệ và truyền thông, yêu cầu số hóa ngày càng cao và ở mọi lĩnh vực. Người dùng không thể từ chối hay giảm sự trao đổi, tương tác trên môi trường số. Như vậy, khả năng bị lừa đảo qua mạng luôn hiện hữu.
Để phòng chống lừa đảo qua mạng, theo các chuyên gia, việc đầu tiên là người dùng phải thật bình tĩnh trong tiếp nhận và xử lý thông tin, ngay cả khi đã bị lừa. Người dùng cần tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ và trước khi đăng nhập vào các website giao dịch điện tử thì phải kiểm tra, rà soát nhằm đảm bảo đó là đường link chính thống của đơn vị cung cấp dịch vụ.
Tiến sĩ Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi nhánh phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, các cuộc lừa đảo có nội dung cập nhật rất nhanh chóng và có hàm lượng công nghệ ngày càng cao. Tình trạng dùng công nghệ deepfake để giả dạng khuôn mặt, video, giọng nói dần trở nên phổ biến, khiến người dùng khó lường và dễ dàng rơi vào cạm bẫy.
Vì thế, Tiến sĩ Võ Văn Khang khuyến nghị người dân phải cảnh giác và hiểu được rằng mình có thể là đối tượng bị nhắm đến trong cuộc lừa đảo. "Chỉ cần ý thức được như vậy là chúng ta đã có rất nhiều cơ sở để có thể phát hiện ra cuộc lừa đảo. Hiện về mặt công nghệ cũng có rất nhiều công cụ hỗ trợ người dùng. Tuy nhiên, việc ý thức được rằng mình có thể là người bị lừa đảo là quan trọng nhất", ông Khang nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Hiếu PC, cần nâng cao nhận thức của người dùng về khả năng bị lừa đảo qua mạng (ảnh: MH)
Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - Chuyên gia của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia, đồng sáng lập tổ chức Chongluadao.vn, phân tích, trong việc dùng AI để tạo ra các hình thức giả mạo người dùng hiện nay là “deepfake” video, hình ảnh và giọng nói thì giả giọng nói là nguy hiểm nhất. Bằng công nghệ, các đối tượng có thể giả giọng nói giống đến 90%. Cho nên, quan trọng nhất là người dùng cần ý thức mình có thể bị lừa đảo qua mạng bất cứ lúc nào để thận trọng trong tiếp nhận và xử lý thông tin.
"Cần nâng cao nhận thức cho mọi người. Khi tiếp nhận thông tin thì cần chậm lại, cần kiểm chứng. Thường người bị lừa đảo là do không kiểm chứng. Không cần phải qua bước kiểm tra về mặt kỹ thuật nào cả, chỉ cần kiểm chứng là đã có thể tường tận rằng đó có phải là việc lừa đảo, nguy hiểm hay không", chuyên gia Ngô Minh Hiếu chỉ rõ.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, Cục phát hiện hơn 3.200 trang web lừa đảo người dùng Việt Nam. Xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, mọi hoạt động trong xã hội đang được số hóa, dữ liệu được hội tụ, hình thành các kho dữ liệu lớn. Những tiến bộ vượt bậc của công nghệ như hạ tầng Internet băng thông rộng, IoT, Big Data, AI… luôn đi kèm theo những rủi ro lớn. Thêm nữa những bất ổn trong đời sống, suy giảm kinh tế và tình trạng cạnh tranh, thù địch cũng là nguyên nhân gây mất an toàn thông tin, gia tăng tấn công, lừa đảo sử dụng công nghệ cao…
Người dùng cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển từ cách tiếp cận phản ứng sang chủ động bảo vệ mình. Khi tiếp nhận thông tin, nếu nghi ngờ lừa đảo thì có thể tìm đến các giải pháp công nghệ của các tổ chức, cơ quan chức năng./.
Theo Minh Hạnh/VOV-TP.HCM – 28//5/2023
https://vov.vn/phap-luat/lua-dao-qua-mang-bua-vay-nguoi-dung-post1022801.vov