Từ nhiều năm qua, người dân Cúc Phương, huyện Nho Quan, Hòa Bình đã được thừa hưởng những giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc do ông cha truyền lại với nhiều truyền thống cần được bảo tồn, lưu giữ.
Đồng bào dân tộc Mường ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình biểu diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc. (Ảnh: Thùy Dung/ TTXVN)
Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Phát huy giá trị bản sắc văn hóa ông cha truyền lại
Theo Ủy ban Nhân dân xã Cúc Phương, huyện Nho Quan có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường.
Từ nhiều năm qua, người dân nơi đây đã được thừa hưởng những giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc do ông cha truyền lại với nhiều nét văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, lưu giữ như hát Mường, các trò chơi dân gian, đánh cồng chiêng, các phong tục tập quán bản địa.
Xã đã và đang nỗ lực khôi phục, giữ gìn các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường.
Từ năm 2017, Câu lạc bộ hát giao duyên tiếng Mường được thành lập để lưu giữ và phát huy những nét đẹp của đồng bào dân tộc Mường, như những bộ trang phục váy áo đặc thù, nghi lễ cưới xin, ma chay, đặc biệt là những tiếng cồng, chiêng, những làn điệu hát giao duyên của các đôi trai gái - món ăn tinh thần không thể thiếu, gắn với đời sống và sản xuất của bà con.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cúc Phương cho biết, hiện 10/10 thôn, bản của xã Cúc Phương đều đã thành lập được câu lạc bộ.
Tùy vào thế mạnh của mình, các câu lạc bộ tập trung vào hình thức biểu diễn loại hình văn hóa khác nhau, trong đó có các loại hình truyền thống của người Mường như hát, múa giao duyên tiếng Mường; ném còn; đánh mảng, biểu diễn cồng chiêng…
Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân xã Cúc Phương tiếp tục sưu tầm, biên tập lưu giữ các làn điệu dân vũ, hát giao duyên, rằng xường, bọ mẹng, hát sắc bùa.
Đồng thời, địa phương phối hợp với các trường Trung học Cơ sở hướng dẫn, truyền dạy cho học sinh lớp 8, lớp 9 các làn điệu hát giao duyên tiếng mường; phấn đấu 100% các cháu biết hát các làn điệu trước khi ra trường.
Các câu lạc bộ tích cực tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ bằng hát giao duyên, rằng xường, bọ mẹng tại các lễ hội, Tết, chương trình, sự kiện diễn ra ở địa phương và biểu diễn phục vụ khách du lịch có nhu cầu thưởng thức văn hóa dân tộc Mường; tham gia giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động, tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng, miền từ các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh.
Nho Quan là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình có 7 xã được công nhận là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với gần 29 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mường chiếm 97,18%.
Huyện đã dành sự quan tâm đầu tư cho việc khôi phục văn hóa truyền thống của người Mường; khuyến khích các câu lạc bộ hát giao duyên tiếng Mường khôi phục, bảo tồn và phát huy trở lại.
Huyện hỗ trợ kinh phí khôi phục lại một số ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường; mua sắm thêm một số dụng cụ như cồng, chiêng, nỏ; hỗ trợ, động viên các câu lạc bộ truyền thống các xã thành lập và đi vào hoạt động nền nếp.
Các địa phương trong huyện luôn có trách nhiệm với việc tích cực truyền dạy cho các thế hệ sau có niềm yêu thích học hỏi, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ông Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nho Quan cho biết, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được huyện quan tâm, chú trọng.
Thông qua các Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy một số nét đẹp văn hóa dân tộc Mường và Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường…, đồng bào có cơ hội phát huy những di sản văn hóa.
Hàng năm, Ủy ban Nhân dân huyện tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc để nhân dân tăng cường giao lưu, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại.
Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc trưng và các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, thể thao, các sản phẩm nông, công nghiệp của đồng bào các dân tộc, qua đó thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng
Hiện Ninh Bình có gần 30 nghìn người dân tộc thiểu số; trong đó chủ yếu là dân tộc Mường sinh sống tại huyện Nho Quan. Năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022-2030" nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mường trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.
Đồng bào dân tộc Mường ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình biểu diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc. (Ảnh: Thùy Dung/ TTXVN)
Kế hoạch góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Mường, ý thức tự giác của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân.
Tỉnh chú trọng phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng, du lịch dân tộc học, du lịch nông thôn miền núi, hướng phát triển du lịch nội địa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc Mường.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn I (2022-2025), Ninh Bình phấn đấu 50% số thôn, bản có câu lạc bộ, tổ, đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, chất lượng; các khu, điểm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số duy trì hoạt động ít nhất 1 câu lạc bộ/đội văn nghệ phục vụ phát triển du lịch; 70% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; có 2 nghệ nhân là người dân tộc thiểu số được quan tâm, hỗ trợ xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú...
Giai đoạn II (từ năm 2026-2030), địa phương đặt mục tiêu hoàn thành các thủ tục xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia; có từ 7-10 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc Mường được hỗ trợ, bảo tồn, phát huy giá trị, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; 100% thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đội văn nghệ, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động thường xuyên; từ 7-10 mô hình bảo tồn câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng và tạo sản phẩm du lịch đặc thù từ di sản văn hóa./.
Theo Hải Yến (TTXVN/Vietnam+) - 26/05/2023
https://www.vietnamplus.vn/bao-ton-gia-tri-van-hoa-dan-toc-muong-gan-voi-phat-trien-du-lich/864726.vnp