Cập nhật: 03/06/2023 09:07:00
Xem cỡ chữ

Chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những chỉ số quan trọng nhất, quyết định đến việc tăng, giảm thứ hạng của chỉ số năng lực cạnh tranh PCI cấp tỉnh. Chỉ số này có 13 chỉ tiêu thành phần dựa trên sự đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về kết quả triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp của chính quyền địa phương.

Năm 2022, Vĩnh Phúc đã có sự bứt phá ngoạn mục về chỉ số này, với 6,61 điểm, xếp vị trí thứ 4, tăng 20 bậc so với năm 2021, vượt 11 bậc so với mục tiêu đề ra và dẫn đầu các tỉnh đồng bằng Sông Hồng.

Trong 13 chỉ tiêu thành phần, Vĩnh Phúc có 10 chỉ tiêu tăng điểm, tăng thứ hạng như: Chỉ tiêu tỷ lệ doanh nghiệp biết đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại; thủ tục được giảm giá thuê mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp là dễ thực hiện, vươn lên từ vị trí 32 lên vị trí đầu bảng, xếp thứ 01/63 tỉnh, thành; chỉ tiêu về thủ tục để được cơ quan nhà nước hỗ trợ tăng cường năng lực doanh nghiệp từ vị trí 24 tăng lên vị trí thứ 2.

Để duy trì được thứ hạng PCI nằm trong top 10, năm 2023, Vĩnh Phúc cần nỗ lực cải thiện tất cả các chỉ số, trong đó, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giữ vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành. 

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan chủ trì thực hiện chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển của Trung ương, của tỉnh, nhất là các thông tin về thủ tục hành chính, thủ tục để được hỗ trợ năng lực kinh doanh, giá thuê mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp; thủ tục miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật, tư vấn thông tin thị trường…

Cùng với đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, xây dựng các sàn thương mại điện tử, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, quảng bá sản phẩm./.

Thùy Linh