Mỹ đang cung cấp lượng vũ khí khổng lồ cho Ukraine nhưng gặp khó khăn trong truy dấu. Điều đó đã làm dấy lên lo ngại những vũ khí này có thể được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.
Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều cuộc tấn công vào các vùng lãnh thổ Nga nằm gần biên giới Ukraine, trong đó phải kể đến vụ việc hôm 22/5, khi Nga tuyên bố phá hủy một số xe bọc thép do Mỹ sản xuất như M1151A1 Hummvee được triển khai trong cuộc đột kích nhằm vào khu vực biên giới Belgorod của nước này.
Binh sĩ Ukraine trong một lần khai hỏa lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp. Ảnh: AFP
Một số tổ chức bán quân sự đã nhận trách nhiệm tiến hành cuộc tấn công này. Nhưng hơn một tuần, kể từ khi Nga công bố hình ảnh về xe học thép M1151A1 Hummvee bị mắc kẹt trong hố bom và một chiếc khác bị hỏng lốp, chính quyền Biden vẫn chưa xác nhận liệu các nhóm này có liên hệ với Kiev hay không.
Vẫn chưa rõ những vụ việc như vậy có gây rủi ro cho nước Mỹ hay không khi mục tiêu chiến lược của Washington là tránh leo thang căng thẳng với Moscow để tránh nguy cơ bùng phát một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 3 mà Nhà Trắng từng cảnh báo. Câu hỏi đặt ra là Mỹ sẽ làm cách nào để theo dõi các vũ khí và trang thiết bị trị giá hàng tỷ USD mà họ gửi đến Ukraine.
Giới phân tích cho rằng, bất cứ đánh giá nào của Washington về cách Ukraine sử dụng những vũ khí đó cũng có thể tác động đến quá trình cung cấp vũ khí của phương Tây dành cho quốc gia này, đặc biệt khi chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã bật đèn xanh cho các quốc gia đồng minh tài trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev.
Chính quyền Biden đứng trước áp lực lớn
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby cho biết: “Chúng tôi đang xem xét các báo cáo về việc một số trang thiết bị và phương tiện do Mỹ sản xuất đã được triển khai trong cuộc tấn công Belgorod”. Khi được hỏi về tình trạng của cuộc điều tra, một nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chưa có bất cứ thông tin mới nào được tiết lộ. Chính phủ Ukraine cũng từ chối cáo buộc liên quan đến vụ tấn công này.
Mỹ nhiều lần tuyên bố không ủng hộ các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga. Phát biểu với báo chí hôm 31/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết: “Chúng tôi đã bày tỏ rõ quan điểm với Ukraine rằng, chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng những vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Vì điều này sẽ khiến xung đột leo thang hơn nữa, có thể kéo phương Tây và NATO vào vòng xoáy can dự trực tiếp, không có lợi cho người dân Ukraine và cũng gây ảnh hưởng đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ”.
Các quan chức Mỹ cho biết, ngoài việc hợp tác chặt chẽ với chính phủ Ukraine, họ cũng tăng cường giám sát viện trợ quân sự gửi đến quốc gia này. Nhưng việc Mỹ chưa đưa ra bất cứ kết luận nào liên quan đến cuộc điều tra loại vũ khí dùng để tấn công Belgorod đã khiến chính quyền Biden hứng chịu nhiều chỉ trích. Đảng Cộng hòa đã đề nghị chính phủ giải trình và phần lớn yêu cầu tập trung vào việc tránh lãng phí khí tài quân sự.
Phát biểu tại một phiên điều trần, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul cho biết: “Tôi không yêu cầu thực hiện việc giám sát để làm suy yếu hoặc gây hoài nghi về tầm quan trọng của việc hỗ trợ Ukraine, mà ngược lại muốn khuyến khích chính phủ và Ukraine sử dụng ngân sách Quốc hội với mức độ hiệu quả cao nhất.
Cơ quan giám sát hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ không phát hiện thấy bất cứ việc sử dụng bất hợp pháp nào đối với các loại vũ khí và thiết bị quân sự trị giá hơn 20 tỷ USD mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Trong khi một số báo cáo khác cho rằng, chỉ khoảng 10% vũ khí có nguy cơ cao nằm trong sự giám sát của Mỹ và chỉ một số ít vũ khí được theo dõi trong suốt quá trình sử dụng.
Lỗ hổng lớn trong việc giám sát vũ khí
Các quan chức quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận việc giám sát vũ khí tại những khu vực xung đột – nơi quân đội nước này không có sự hiện diện là rất khó khăn và có những điểm mù tiềm ẩn. Do quân đội Mỹ không có mặt trên thực địa nên Washington và NATO phụ thuộc rất nhiều vào thông tin do chính phủ Ukraine cung cấp. Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng, Kiev chủ yếu chỉ cung cấp những thông tin nói về sự cấp bách của tình hình để hối thúc các đối tác tăng cường viện trợ vũ khí
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu cuộc điều tra có khiến chính phủ lo lắng về hiệu quả của các biện pháp theo dõi hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết: “Không. Chúng tôi vẫn đang xem xét và chưa đưa ra kết luận”.
Một trong những cách thức mà Mỹ đang thực hiện để theo dõi các loại vũ khí quan trọng gửi tới Ukraine là in mã vạch trên mỗi hệ thống. Mã vạch này có chưa thông tin nhận dạng duy nhất, chẳng hạn số seri. Về phần mình, Ukraine cũng báo cáo các tổn thất trên chiến trường cho các quan chức Mỹ. Bất chấp các nỗ lực của Mỹ, các chuyên gia cho rằng có rất nhiều lỗ hổng trong quá trình này.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cho rằng: “Luôn có sự thiếu sót trong việc theo dõi vũ khí và đạn dược. Chiến tranh rất phức tạp và không có gì đảm bảo vũ khí sẽ được sử dụng theo cách mà chúng ta ủng hộ”.
Theo ông Mark Cancian, bất cứ sự mất kết nối nào trong quân đội Ukraine đều có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng: “Không loại trừ trường hợp có sự rạn nứt trong chính phủ hoặc quân đội Ukraine. Điều này rất đáng lo ngại vì chính phủ Ukraine không thể kiểm soát hoàn toàn các lực lượng trên toàn bộ lãnh thổ rộng lớn của họ. Có những nhóm bán quân sự hoặc lực lượng dân quân hành động độc lập, thậm chí đối đầu với chính quyền trung ương. Rất có nguy cơ thiết bị quân sự của Mỹ rơi vào tay những nhóm này./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp) – 3/6/2023
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lo-hong-lon-cua-my-khi-truy-vet-luong-vu-khi-khung-cung-cap-cho-ukraine-post1024040.vov