Sốt mò là tình trạng sốt cấp tính, thường gặp vào mùa nóng ẩm. Nếu không phát hiện sớm có thể gây tổn thương tim, gan, thận, thậm chí gây viêm não và tử vong.
Em Nguyễn Thanh Tùng 17 tuổi ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn sau khi vào rừng bắt ong mật về có biểu hiện sốt cao liên tục. Mặc dù Tùng đã đi khám tại trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện nhưng tình trạng sốt vẫn không giảm, có thời điểm lên đến hơn 40 độ, kèm theo biểu hiện đau nhức đầu, đỏ mắt.
Chị Nguyễn Thị Hoa – mẹ Tùng cho biết, lúc đầu gia đình tưởng Tùng bị Covid-19 nên đã cho uống thuốc hạ sốt và truyền dịch tại trạm y tế. Tuy nhiên, em liên tục sốt trong suốt một tuần. Sợ con mắc bệnh gì nghiêm trọng nên gia đình đã đưa Tùng lên Bệnh viện ĐK tỉnh Tuyên Quang.
Bệnh nhân Nguyễn Thanh Tùng được bác sỹ khám khi nhập viện
Sau khi hỏi tiền sử bệnh và thăm khám, các bác sỹ phát hiện một vết loét đã đóng vảy đen ở mạn sườn của Tùng giống với biểu hiện bệnh sốt mò. Đây là lần đầu tiên gia đình chị Hoa nghe đến bệnh lý này.
“Chưa nghe bao giờ, cũng không biết bệnh này, lên đây bác sỹ điều trị sau 2 ngày là cháu cắt sốt. Bây giờ cháu khỏe bình thường rồi…”, chị Hoa chia sẻ.
Theo bác sĩ Đoàn Thị Thúy Tình, phó Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, bệnh sốt mò thường gặp vào mùa mưa nóng từ tháng 5 đến tháng 10 khi người dân đi rừng bắt ong, hoặc khách du lịch đi vào những khu vực có bụi cây rậm rạp, dễ bị con mò đốt và gây sốt. Tuy nhiên các biểu hiện dễ nhầm lẫn với ốm sốt thông thường nên không được phát hiện sớm.
“Bệnh nhân vào với tình trạng sốt 1 tuần ở nhà rồi, đã ra các trạm y tế xã phường điều trị mà không đỡ, sốt liên tục 39, 40 độ. Không ho mà chỉ sốt mệt mỏi, không có tình trạng tổn thương nhiễm trùng gì….” - BS Thúy Tình cho biết.
Ngoài trường hợp của bệnh nhân Tùng, Bệnh viện ĐK tỉnh Tuyên Quang cũng đã tiếp nhận một trường hợp khác bị sốt mò cũng do đi rừng về. Rất may cả hai bệnh nhân đều được phát hiện kịp thời, chưa có biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt mò
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Mạnh – Viện trưởng Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện TƯ Quân đội 108, sốt mò là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn rickettsia tsutsugamushi gây nên. Bệnh sốt mò thường gặp ở nông thôn, vùng bìa rừng, ven sông, suối nơi có nhiều cây cối, bụi rậm. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu ở lứa tuổi lao động. Nguồn bệnh là các động vật như chuột, chó, mèo, lợn, gà. Trung gian truyền bệnh là ấu trùng mò.
Ấu trùng mò thường chọn đốt vào những vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bẹn, cổ, mi mắt. Do vết đốt không đau nên người bệnh thường không chú ý. Tuy nhiên, sau khi bị đốt từ 6 - 12 ngày, người bệnh bắt đầu phát bệnh, có biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, mệt mỏi, da và mắt sung huyết, có thể có ban đỏ trên da. Lúc đầu, tại nơi ấu trùng mò đốt có nốt phỏng nước bằng hạt đậu, sau đó vết đốt đóng vảy đen và khi bong vảy tạo thành vết loét nhỏ lõm.
Sốt mò thường có các triệu chứng gần giống như cảm cúm, sốt phát ban, sốt xuất huyết nên rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác. Bệnh sốt mò nếu không được điều trị kháng sinh sớm và thích hợp có thể tiến triển nặng dẫn tới biến chứng suy đa tạng trong đó có suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu và có thể dẫn đến tử vong.
PGS.TS Nguyễn Đăng Mạnh nhấn mạnh những đặc điểm nhận biết bệnh sốt mò như sau:
Người có yếu tố dịch tễ như vừa đi từ vùng rừng núi rậm rạp, ven sông, ven suối về.
Có biểu hiện sốt cao 39-40 độ liên tục. Có thể kèm theo biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, da và mắt sung huyết, có thể có ban đỏ trên da.
Trên cơ thể có vết loét do côn trùng đốt ở vùng kín như nách, bẹn, bộ phận sinh dục...Vết loét hình tròn hoặc bầu dục có đường kính từ 1mm đến 2cm. Nếu có vảy thì vảy đen, cứng phủ trên một nốt sẩn có gờ cứng. Đặc biệt, tại vét loét không gây đau hay ngứa và có nổi hạch xung quanh.
Vết loét do con mò đốt đã đóng vảy đen
Khi có những dấu hiệu này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. PGS.TS Nguyễn Đăng Mạnh cũng cho biết, chỉ có một số loại kháng sinh cổ điển đặc hiệu với bệnh sốt mò. Những loại kháng sinh mới, phổ biến hiện nay thường không có hiệu quả. Do đó, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Cách phòng bệnh sốt mò
Tích cực phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loại gặm nhấm. Khơi thông cống rãnh, định kỳ phun thuốc diệt côn trùng 6 tháng/lần.
Không nằm hoặc phơi quần áo ở những nơi ẩm ướt để tránh ấu trùng mò bám vào.
Khi vào rừng tham quan hay làm việc chú ý tránh nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, nhiều cỏ dại, đất mùn. Không nằm dưới đất. Nên mặc quần áo kín đáo, đi giày cao cổ. Dùng thuốc xua đuổi côn trùng bôi vào vùng da trống.
Khi sốt cao không rõ nguyên nhân cần kiểm tra kỹ tất cả bề mặt da trên cơ thể tìm các vết đốt lạ, sau đó cần đưa đến các cơ sở y tế sớm để được các bác sĩ khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh để lại các hậu quả đáng tiếc./.
Theo Phương Thảo/VOV2 - 6/6/2023
https://vov.vn/xa-hoi/sot-mo-khong-phat-hien-som-co-the-gay-tu-vong-post1024739.vov