Cập nhật: 07/06/2023 07:32:00
Xem cỡ chữ

Những ngôi mộ được cho là lâu đời nhất trước đó được khai quật ở Trung Đông và châu Phi, chứa hài cốt của người Homo sapiens và có niên đại khoảng 100.000 năm trước Công nguyên.

Phat hien nghia trang lau doi nhat the gioi tai Nam Phi hinh anh 1

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)

Các nhà cổ sinh vật học ở Nam Phi vừa thông báo họ đã phát hiện nghĩa trang lâu đời nhất thế giới, trong đó chứa hài cốt của chủng người Homo naledi - một họ hàng xa của con người trong thời kỳ đồ đá, có bộ não rất nhỏ, thành thạo leo cây và được cho là không có khả năng thực hiện những hành vi phức tạp.

Nhóm nghiên cứu-do nhà cổ sinh vật học nổi tiếng Lee Berger đứng đầu-đã phát hiện một số mẫu vật của người Homo naledi ở độ sâu khoảng 30 mét dưới lòng đất trong một hệ thống hang động thuộc Cradle of Humankind (Cái nôi của loài người) - một địa điểm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới ở gần thành phố Johannesburg của Nam Phi.

Nhóm nhà khoa học nêu rõ: “Đây là dấu mốc cổ xưa nhất về hoạt động chôn cất từng được lưu lại trong dữ liệu của loài vượn người, sớm hơn tối thiểu 100.000 năm so với thời điểm từng tìm thấy bằng chứng về hoạt động chôn cất của người Homo sapiens. Những phát hiện mới này thách thức những gì khoa học đã biết về sự tiến hóa của loài người, do chúng ta thường cho rằng một bộ não đủ lớn mới có thể cho phép con người thực hiện các hoạt động phức tạp và có ý nghĩa sâu sắc, ví dụ như việc chôn cất người chết."

Những ngôi mộ được cho là lâu đời nhất trước đó được khai quật ở Trung Đông và châu Phi, chứa hài cốt của người Homo sapiens và có niên đại khoảng 100.000 năm trước Công nguyên.

Trong khi đó, những ngôi mộ nêu vừa được nhóm nghiên cứu của ông Berger phát hiện tại Nam Phi có niên đại ít nhất 200.000 năm trước Công nguyên.

Quan trọng hơn, những ngôi mộ này là của người Homo naledi-một chủng người nguyên thủy với bộ não rất nhỏ, chỉ cao khoảng 1,5 mét khi đứng thẳng, có ngón tay và ngón chân cong, bàn tay và bàn chân thường được sử dụng cho việc di chuyển.

Hóa thạch xương của người Homo naledi lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2013 tại hệ thống hang động có tên là Rising Star. Những nấm mồ hình bầu dục của nghĩa trang nói trên cũng lần đầu tiên được tìm thấy trong khi tiến hành khai quật tại địa điểm này năm 2018.

Theo các nhà khoa học, những chiếc hố sâu đã được người Homo naledi cố ý đào lên và sau đó lấp lại để che lấp các thi hài yên nghỉ bên trong. Những chiếc hố này chứa ít nhất 5 thi hài.

Theo Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+) - 07/06/2023

https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-nghia-trang-lau-doi-nhat-the-gioi-tai-nam-phi/866715.vnp