Ukraine đặt tham vọng phản công giành lại đất từ tay Nga. Nhưng để làm được điều này, Ukraine trước hết phải lách êm qua phòng tuyến của chính họ, sau đó phải chọc thủng phòng tuyến dày đặc và có chiều sâu của Nga. Ở đây công binh đóng vai trò to lớn.
Gỡ mìn thủ công tại bãi mìn của chính mình
Trở ngại đầu tiên mà binh lính Ukraine đối mặt khi tiến hành phản công không phải là phòng tuyến của Nga mà chính là phòng tuyến của chính họ.
Lính Ukraine ngắm bắn từ công sự. Ảnh: Washington Post.
Tương tự Nga, Ukraine đã cài hàng ngàn quả mìn dọc theo tiền tuyến của mình. Để tiến vào lãnh thổ do Nga kiểm soát, binh sĩ Ukraine cần phải đi qua các tuyến phòng ngự của chính họ mà không đánh động người Nga. Phía Nga sẽ dễ dàng nhận ra nếu có các vụ nổ khi vũ khí hạng nặng được điều tới. Điều này đồng nghĩa với việc công binh Ukraine phải tiến lên trước và lặng lẽ gỡ mìn một cách thủ công vào ban đêm.
Klimat - viên chỉ huy 42 tuổi của một nhóm công binh thuộc Lữ đoàn xe tăng số 1 của Ukraine, nói rằng “tay ai cũng run”.
Klimat cho biết, công việc gỡ mìn như thế này đã và đang diễn ra trong nhiều tuần lễ. Tuy nhiên, ông này từ chối mô tả vị trí chính xác hoặc phương pháp được sử dụng để vô hiệu hóa mìn. Một khi một con đường đã được dọn sạch mìn, lính Ukraine sẽ dùng ký hiệu mật riêng để chỉ ra đường tiến về phía trước.
Đấy mới chỉ là bước đầu. Tiếp theo là cuộc chiến đấu trực tiếp với quân Nga.
Nga “đổ bê tông” cho tuyến phòng thủ đồ sộ
Không biết chính xác Ukraine sẽ tung đòn đột phá ở đâu. Nhưng các đồn đoán tập trung vào khu vực Zaporozhye bởi vì đó là sợi dây chiến lược bảo đảm cho sự chiếm đóng của quân Nga. Nếu Ukraine thọc quân theo hướng nam qua khu vực này, họ có thể cắt đứt “cầu đất” kết nối bán đảo Crimea với lục địa Nga.
Quân Nga đã biến các cánh đồng nông nghiệp bát ngát ngủ yên một thời thành pháo đài thực sự, có mạng lưới chiến hào dày đặc và các chướng ngại vật khác.
Để tái chiếm vùng lãnh thổ này, người Ukraine sẽ phải chọc qua các công sự kiên cố. Việc này đòi hỏi huấn luyện đặc biệt và thiết bị riêng cũng như hoạt động trinh sát kỹ càng để tìm ra điểm yếu - đây có lẽ là một trong các lý do mà cuộc phản công được phương Tây chờ đợi lâu nay vẫn chưa thực sự khai màn.
Serhii Matveichuk - Đại tá thuộc Cục Công binh Ukraine, nói với tờ Washington Post rằng Nga đã tạo ra được một “hệ thống đồ sộ các rào cản kỹ thuật”, từ đó tạo ra một “trở ngại nghiêm trọng cho tính cơ động của binh sĩ” Ukraine.
Mục tiêu mà Nga đặt ra cho chương trình “pháo đài hóa” khổng lồ này là nhằm làm chậm đà tiến công của đối phương, dẫn dụ lực lượng Ukraine đã tạo được cửa mở vào một khu vực hẹp. Điều này sẽ giúp lực lượng dự bị của Nga tập kết, còn pháo binh sẽ có thời gian để pháo kích lực lượng tấn công, có khả năng chấm dứt cuộc phản công ngay trước khi nó thực sự bắt đầu.
Giới chức Ukraine từ chối thảo luận các chi tiết cụ thể của bất cứ kế hoạch nào để chọc thủng phòng tuyến của Nga.
Đại tá công binh Matveichuk và các quan chức Ukraine khác khi trao đổi với Washington Post đều đề nghị không tiết lộ vị trí của họ.
Theo binh lính Ukraine, Nga gài mìn theo mẫu sau: Một hàng mìn chống tăng, một hàng mìn chống người dọc theo các bẫy mìn, và rồi một hàng mìn chống tăng nữa. Lính Ukraine cho biết thêm, mìn chống tăng có thể phát hiện được bằng UAV nhưng mìn chống người thì khó phát hiện hơn.
Một khi lính Ukraine đã vượt qua phòng tuyến của mình (đòi hỏi bí mật) và tiến vào tầm nhìn của quân Nga thì đối với lính Ukraine lúc này, việc đột phá qua phòng tuyến của Nga thường đòi hỏi nhiều về tốc độ hơn là bí mật.
Về lý thuyết, hỏa lực pháo binh có thể làm nổ mìn từ xa. Nhưng các quả đạn pháo được cung cấp với số lượng có hạn và cũng không chắc phá hủy hết được số mìn gài trong một khu đất nào đó.
Ukraine thiếu trầm trọng xe công binh và các công cụ phá mìn
Công binh Ukraine đã nhập cuộc. Trong một số trường hợp, họ sử dụng các thiết bị mới được thiết kế để xuyên thủng một số dạng phòng ngự, bao gồm các xe được chỉnh sửa riêng, dựa trên xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Đức.
Nhưng một số nhà phân tích cho hay, các đồng minh phương Tây của Kiev mới chỉ tập trung vào viện trợ tên lửa, xe thiết giáp và đạn dược khác nhưng chưa cam kết hỗ trợ họ thực hiện việc đột phá qua phòng tuyến Nga. Matveichuk cho hay, đây thực sự là một vấn đề bởi vì quân đội Ukraine thiếu xe tăng công binh và các công cụ như thế.
Các đội quân hiện đại sử dụng các thiết bị được thiết kế đặc biệt như máy dọn mìn cơ giới, xe tăng công binh và thiết bị nổ theo tuyến để rà phá mìn.
Ukraine có xe dọn mìn riêng, như là UR-77 Meteorit (xe thời Xô viết, dùng khung như lựu pháo 2S1). Xe thiết giáp hạng nặng này sử dụng các thiết bị nổ theo tuyến để rà phá khu vực 90m phía trước xe. Quân đội Nga cũng sử dụng xe này.
Một xe phá mìn Leopard 2, với cày mìn gắn ở phía trước. Ảnh: Karvonen.
Các nước phương Tây cũng gửi cho Ukraine một số xe tăng công binh hiện đại, bao gồm mẫu Leopard 2R, có thể cày các bãi mìn. Các xe này, do Đức phát triển, dựa trên khung xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard và sử dụng các cày mìn thiết giáp hạng nặng để kích nổ mìn trên đường đi của xe.
Đại tá Ukraine Matveichuk từ chối thảo luận loại máy nào sẽ được Ukraine sử dụng trong phản công bởi lẽ mọi sự tiết lộ có thể dẫn tới việc “đối phương phát triển các biện pháp đối phó”.
Tuy nhiên, ông này lưu ý rằng các xe tăng công binh hạng nặng như Leopard 2R đặc biệt hữu ích do chúng không chỉ dọn mìn mà còn đẩy tung các chướng ngại vật như hàng rào và ụ đất.
Tuy nhiên, theo Matveichuk, lựa chọn tốt nhất cho công việc này là xe phá chướng ngại vật M1150 dựa trên khung xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams do Mỹ sản xuất - loại xe chưa có trong tay Ukraine. Washington đã được hối thúc cung cấp loại xe này nhưng họ vẫn chưa làm vậy.
Matveichuk viết, một vướng mắc lớn là việc cung cấp các đơn vị công binh được trang bị xe công binh và các công nghệ khác.
Mỹ đã nhiều lần liệt kê “thiết bị phá mìn” trong danh sách viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch. Nguồn: Washington Post - 7/6/2023
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/de-lat-nguoc-the-co-ukraine-phai-xuyen-thung-phong-tuyen-day-dac-cua-nga-post1025049.vov