Cập nhật: 14/06/2023 08:29:00
Xem cỡ chữ

Du lịch cộng đồng dù không mới nhưng ngày càng trở nên hấp dẫn khi du khách đã quá quen thuộc với các sản phẩm du lịch truyền thống.

Chú thích ảnh

Khách tham quan các sản phẩm gốm, sứ trưng bày tại Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Hà Nội là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng khi có tới 18 huyện, thị xã ngoại thành rộng lớn với những hình thái nông thôn mang đặc trưng riêng, hệ thống di tích lịch sử phong phú, di sản phi vật thể đặc sắc và ẩm thực đa dạng. Thành phố đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan và huy động cả cộng đồng chung tay làm du lịch tạo sự bền vững trong phát triển.

Biến văn hóa, sản phẩm nông nghiệp thành tài sản du lịch

Việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, làng nghề, văn hóa, lợi thế về nông nghiệp tại khu vực ngoại thành Hà Nội để phát triển du lịch đã được ngành Du lịch, ngành Nông nghiệp và các địa phương quan tâm.Việc biến di sản, văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp thành tài sản, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ nhu cầu của đông đảo các du khách trong nước và quốc tế bước đầu đã có những chuyển biến. Hà Nội đã có những địa bàn cộng đồng tích cực tham gia vào hoạt động du lịch như: Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Khu Di tích Hương Sơn (chùa Hương, huyện Mỹ Đức), Làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), Điểm du lịch Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng)... Du lịch cộng đồng đã góp phần tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Huyện Phú Xuyên được biết đến là đất trăm nghề ở phía Nam Hà Nội, với 43 làng nghề được thành phố công nhận. Địa bàn huyện còn có 112 di tích lịch sử được xếp hạng gồm 35 di tích cấp quốc gia, 77 di tích cấp thành phố. Nhiều điểm đến được đông đảo du khách biết tới như: Bảo tàng Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở xã Nam Triều, chùa Ráng xã Quang Lãng, đình làng Đa Chất, làng nghề tò he ở Xuân La, khảm trai sơn mài xã Chuyên Mỹ, đan cỏ tế xã Phú Túc, làng nghề giày da xã Phú Yên… Bên cạnh đó, huyện còn có các vùng chuyên canh nông nghiệp tiềm năng lớn phát triển du lịch trải nghiệm, mở ra hướng mới cho vùng trũng. Phú Xuyên hiện có hai điểm du lịch được thành phố công nhận là: làng nghề khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ và điểm du lịch làng nghề may Vân Từ. Mục tiêu giai đoạn 2025 - 2030, huyện phấn đấu trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Làng cổ ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) hiện giờ đã trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng của xứ Đoài nói riêng, Hà Nội nói chung. Ngày càng có nhiều người dân tham gia vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch qua các hoạt động: Tổ chức tham quan nhà cổ, cung cấp dịch vụ ẩm thực, nhà nghỉ (homestay), cho thuê xe đạp, bán hàng lưu niệm. Năm 2022, thị xã Sơn Tây đón 654 nghìn lượt khách du lịch, riêng điểm du lịch xã Đường Lâm đón 340 nghìn lượt khách.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, đa số người dân tại di tích chưa được thụ hưởng và có lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch. Nhiều người chưa ý thức được việc làm du lịch nên môi trường văn hóa, việc ứng xử giữa người dân với khách du lịch còn chưa chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch dịch vụ còn chưa phong phú, đa dạng. Đây là vấn đề mà nhiều điểm du lịch cộng đồng đang gặp phải và cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng cũng như sự chung tay của cộng đồng trong phát triển du lịch.

Cộng đồng chung tay làm du lịch

Chú thích ảnh

Ngày xưa có câu: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”, nghề đậu bạc ở Định Công trở thành một trong bốn nghề tinh hoa nhất Kinh thành Thăng Long. Với lịch sử lâu đời, tồn tại khoảng 1.500 năm, nghề đậu bạc Định Công có những nét đẹp riêng, mang tính độc đáo so với các làng nghề khác. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Người dân ở các làng quê vốn quen làm nông nghiệp và nghề thủ công tại các làng nghề, rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với khái niệm du lịch cộng đồng. Do chưa nhìn thấy lợi ích, không nhiều người bỏ tiền đầu tư hạ tầng, cải tạo nhà cửa để làm du lịch cộng đồng. Ngoài ra, để phát triển du lịch cộng đồng, người dân cần quá trình dài học cách ứng xử văn minh trong giao tiếp với khách.

Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, trước hết cần phải thay đổi nhận thức, trang bị kỹ năng làm du lịch, bởi chính họ là chủ thể của loại hình du lịch này. Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng các địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ để cộng đồng cư dân có thể tham gia vào chuỗi kinh tế du lịch. Người dân được nâng cao nhận thức, trang bị thêm kỹ năng đón tiếp khách, xây dựng sản phẩm…

Trong thời gian từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các quận, huyện thị xã tổ chức tập huấn ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư điểm du lịch xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) và xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Hàng trăm người dân hồ hởi tham gia, bởi từ trước đến nay, mọi người làm du lịch thường theo thói quen, chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng trong phục vụ khách và phát triển du lịch địa phương.

Mọi người được nghe các chuyên gia chia sẻ nhiều kiến thức về hoạt động du lịch. Đó là lợi ích du lịch đem lại, trao đổi về xây dựng sản phẩm, kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề truyền thống, gắn với phát triển nông thôn mới. Trong đó, các hình thức du lịch bà con có thể triển khai dựa trên thế mạnh hiện có của địa phương như: Du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đan Phượng Phan Công Tính cho biết, thời gian tới, huyện phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng điểm mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh; tập trung khai thác du lịch làng nghề, ẩm thực như sản xuất kẹo lạc tại xã Song Phượng, sản xuất rượu, đậu tại xã Hồng Hà, Hạ Mỗ…; đồng thời cùng các doanh nghiệp du lịch xây dựng mô hình du lịch vui chơi, giải trí tại khu vực bãi nổi sông Hồng. Do đó, việc trao cho người dân kỹ năng làm du lịch là hết sức cần thiết, trước hết là tại Hạ Mỗ, nơi đã được thành phố công nhận là điểm du lịch.

Theo Phó Giáo sư Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học - Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn Hà Nội, để người dân có được kỹ năng, kiến thức làm du lịch, cần phải được tập huấn, hướng dẫn và kết hợp cùng kinh nghiệm thực tế. Việc Sở Du lịch Hà Nội hỗ trợ các huyện ngoại thành phát triển du lịch cộng động, du lịch xanh không chỉ góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.

Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư nhằm tạo hình ảnh điểm đến, thu hút nhiều hơn khách trong nước và quốc tế tham gia trải nghiệm du lịch cộng đồng. 5 tháng đầu năm nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt trên 10,1 triệu lượt khách, tăng 53,9% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó khách quốc tế đạt trên 1,7 triệu lượt khách, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022. Việc phát triển du lịch cộng đồng trong thời điểm hiện nay sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hấp dẫn điểm đến, tăng cơ hội thu hút khách đến với Thủ đô.

Theo Đinh Thuận (TTXVN) - 11/06/2023

https://baotintuc.vn/du-lich/ha-noi-tao-su-ben-vung-cho-du-lich-cong-dong-20230611094813191.htm