Đầy bụng, chuột rút và thay đổi thói quen đi tiểu hoặc đại tiện là một số dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư buồng trứng có thể dễ bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với bệnh khác.
1. Tại sao ung thư buồng trứng thường không được phát hiện sớm?
Ung thư buồng trứng có thể khó phát hiện ở giai đoạn đầu vì buồng trứng nhỏ và nằm sâu trong ổ bụng.
Ngoài ra, thường khó chẩn đoán sớm ung thư buồng trứng vì các triệu chứng rất mơ hồ tương tự như nhiều triệu chứng của một số tình trạng bệnh lý khác.
Chỉ có 20% trường hợp ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu. Ung thư buồng trứng thường không được phát hiện cho đến khi lan rộng trong vùng chậu và bụng nghĩa là đã bị di căn.
2. Những triệu chứng thầm lặng
Mặc dù ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Các triệu chứng có xu hướng không đặc hiệu và được gây ra bởi các điều kiện không phải ung thư. Tuy nhiên, các triệu chứng liên quan đến ung thư buồng trứng có xu hướng xảy ra gần như hàng ngày trong vài tuần. Các triệu chứng cũng có thể khác nhau về thời gian hoặc mức độ nghiêm trọng.
Dưới đây là 6 dấu hiệu ung thư buồng trứng dễ bị bỏ qua:
Đau bụng là một trong những triệu chứng của ung thư buồng trứng dễ bị nhầm với bệnh khác.
2.1 Đau vùng chậu hoặc đau bụng, chuột rút hoặc áp lực
Đau và khó chịu ở bụng hoặc vùng chậu là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư buồng trứng, sau đó là đầy hơi.
Một số phụ nữ bị ung thư buồng trứng cho biết, cảm thấy đau quặn tương tự như đau bụng kinh. Những người khác cảm thấy đau như bị ép. Cơn đau có thể được cảm nhận khắp vùng xương chậu hoặc chỉ đau một bên.
2.2 Đầy hơi
Đầy hơi là triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất ở những người bị ung thư buồng trứng. Thường xuyên bị đầy hơi, đặc biệt là trước và khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi ăn một bữa ăn no.
Đường đi phổ biến nhất của ung thư buồng trứng là qua khoang phúc mạc, không gian trong bụng chứa ruột, dạ dày và gan, điều này có thể gây ra sự tích tụ chất lỏng bên trong bụng (cổ trướng) khi ung thư lan đến niêm mạc bụng (phúc mạc). Nó cũng dễ xảy ra khi các tế bào ung thư chặn dẫn lưu bạch huyết, ngăn không cho dịch trong phúc mạc được tái hấp thu.
2.3 Ăn ít cũng cảm thấy no
Sự tích tụ chất lỏng trong phúc mạc gây đầy hơi thường gây áp lực lên dạ dày, khiến người bị ung thư buồng trứng luôn cảm thấy no ngay cả sau khi ăn ít. Điều này gây ra sự không thèm ăn và một số vấn đề về ăn uống.
2.4 Các vấn đề về tiết niệu
Buồng trứng nằm gần bàng quang, những thay đổi trong buồng trứng có thể ảnh hưởng đến bàng quang và đường tiết niệu. Khối u đang phát triển có thể đè lên bàng quang.
Các triệu chứng tiết niệu phổ biến liên quan đến ung thư buồng trứng như đi tiểu thường xuyên, rò rỉ nước tiểu, mót tiểu, đau hoặc áp lực trong bàng quang.
2.5 Thay đổi kinh nguyệt
Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt là một triệu chứng ít phổ biến hơn của ung thư buồng trứng.
Những thay đổi có thể bao gồm mất kinh hoặc chảy máu nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, cần phân biệt với các nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến thay đổi kinh nguyệt bao gồm mang thai, căng thẳng, trọng lượng cơ thể thấp và mất cân bằng nội tiết tố...
2.6 Thay đổi thói quen đi vệ sinh
Ngoài đầy hơi và đau bụng, các triệu chứng tiêu hóa khác có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng. Khối u đang phát triển có thể gây áp lực lên ruột, gây ra những thay đổi trong thói quen đại tiện, khó tiêu, táo bón và tiêu chảy.
Các triệu chứng khác như mệt mỏi, đau lưng, quan hệ tình dục đau đớn hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục, giảm cân hoặc tăng cân cũng có thể do ung thư buồng trứng.
Một số yếu tố khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn như:
-
Có người thân trong gia đình bị ung thư buồng trứng
-
Béo phì
-
Vấn đề với thai kỳ
-
Có con đầu lòng ở tuổi 35 trở lên
-
Lạc nội mạc tử cung
-
Ung thư vú, ruột kết hoặc tử cung
-
Liệu pháp hormone sau khi mãn kinh
-
Điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm
-
Độ tuổi trung niên trở lên
-
Có gen BCRA1 hoặc BRCA2 bị đột biến
-
Hút thuốc lá
Có một hoặc nhiều yếu tố này không có nghĩa là sẽ bị ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, nên cho bác sĩ biết, đặc biệt nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư buồng trứng.
3. Chẩn đoán ung thư buồng trứng
Chụp CT để phát hiện các khối u ung thư buồng trứng. Ảnh minh họa
Đến nay vẫn chưa có xét nghiệm nào phát hiện sớm ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm để tìm sự hiện diện của khối u trong buồng trứng và xem liệu chúng có phải là ung thư hay không.
Trước tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra hồ sơ sức khỏe kỹ lưỡng, bao gồm tiền sử gia đình và cá nhân để xác định các yếu tố rủi ro và loại trừ các nguyên nhân khác của các triệu chứng. Sau đó, bác sĩ sẽ khám sức khỏe, bao gồm khám vùng chậu để kiểm tra sức khỏe buồng trứng và kiểm tra, đánh giá các triệu chứng khác như cổ trướng.
Nếu nghi ngờ ung thư buồng trứng hoặc nếu phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm bổ sung, bao gồm:
-
Xét nghiệm máu, chẳng hạn như CA-125, tìm kiếm lượng protein cao do ung thư buồng trứng tiết ra và các dấu hiệu khối u khác, chẳng hạn như alpha-fetoprotein và lactate dehydrogenase
-
Xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm qua âm đạo, chụp CT, chụp MRI, chụp PET và chụp X-quang ngực
-
Nội soi ổ bụng
-
Sinh thiết, nếu một khối u bất thường được phát hiện
4. Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Khi nhận thấy các triệu chứng ban đầu giống như triệu chứng đã nói trên của ung thư buồng trứng tốt nhất là không nên bỏ qua. Nên gặp bác sĩ nếu các triệu chứng có vẻ bất thường, kéo dài trong vài tuần.
Nếu được phát hiện và điều trị sớm có thể chữa khỏi ung thư buồng trứng với tỷ lệ thành công cao. Mặc dù không có cách duy nhất để sàng lọc phát hiện sớm ung thư buồng trứng, nhưng các xét nghiệm khác nhau và sự theo dõi của bác sĩ có thể giúp phát hiện ung thư trước khi di căn.
Theo Bác sĩ Thu Phương/suckhoedoisong.vn - 12/06/2023
https://suckhoedoisong.vn/6-dau-hieu-cua-ung-thu-buong-trung-de-bi-bo-qua-169230607160022248.htm