Cập nhật: 21/06/2023 09:45:00
Xem cỡ chữ

Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trong bối cảnh phải đối mặt ngay với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ. Với quyết tâm chính trị cao nhất và tinh thần "đổi mới, sáng tạo, quyết liệt”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc đã phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu Nghị quyết đề ra và đạt được nhiều dấn ấn quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Đảng bộ tỉnh đã tập trung cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng và quyết liệt triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá đã được xác định trong Nghị quyết với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ và kiểm tra giám sát.

Xác định công tác cán bộ là khâu then chốt, Vĩnh Phúc đã tiên phong đổi mới công tác cán bộ bằng chủ trương giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, triển khai thực hiện tốt mục tiêu bố trí Bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Đến thời điểm này, trên 80% đồng chí Bí thư Huyện uỷ, Thành ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh không là người địa phương và phấn đấu năm 2024, tất cả bí thư các huyện, thành phố không là người địa phương.

Đảng bộ tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn và là Trường Chính trị cấp tỉnh thứ 3 toàn quốc đã được công nhận chuẩn mức 1. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của Đảng bộ tỉnh trong nửa nhiệm kỳ có nhiều đổi mới với số lượng kiểm tra, giám sát nhiều nhất từ trước tới nay. Công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển Đảng trong doanh nghiệp FDI, phát triển Đảng trong học sinh sinh viên được Đảng bộ tỉnh quan tâm chú trọng.

Trong nửa nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt mức 4/4 chỉ tiêu về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó kết nạp được gần 4.700 đảng viên; phát triển được 60 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, trong đó 6 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp FDI; tỷ lệ chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân hng năm vượt 13%.

Phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh được đổi mới là tiền đề quan trọng để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu về KT-XH. Dự kiến hết năm 2023, 13/25 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2022 đạt 8,8%, nằm trong số 10 tỉnh tăng trưởng cao nhất cả nước, đạt mục tiêu Đại hội, trong đó riêng năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 9,54% và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.

Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm đến 93,15%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 6,85%. Thu ngân sách Nhà nước tiếp tục tăng cao và lập dấu mốc mới với trên 40.000 tỷ đồng năm 2022, trong đó thu nội địa đạt hơn 33.600 tỷ đồng, nằm trong số ít địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước. Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng với gần 2 tỷ USD vốn đầu tư FDI, trên 45.000 tỷ đồng vốn đầu tư DDI, gấp 2,3 lần mục tiêu Đại hội.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng. An ninh quốc phòng được củng cố, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn 0,7%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Vĩnh Phúc đang triển khai quyết liệt sáng kiến xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, phấn đấu đến năm 2025 có 60 thôn, tổ dân phố thuộc 9 huyện, thành phố hoàn thành Bộ tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu.

Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Vĩnh Phúc tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, quan tâm tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển KT-XH, nâng cao đời sống Nhân dân, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ, Vĩnh Phúc hoàn thành ở mức cao các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng Ðảng, phát triển KT-XH, trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước./.

Ngọc Anh