Cập nhật: 23/06/2023 08:05:00
Xem cỡ chữ

Viêm ruột là bệnh đường tiêu hóa thường gặp và có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Tình trạng viêm xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong đường tiêu hóa sẽ phá vỡ chức năng của các cơ quan, gây đau đớn và đe dọa tính mạng người bệnh. Vì vậy, việc hiểu biết căn bệnh này vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm ruột

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh viêm ruột chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng một số yếu tố sau được xem là nguyên nhân khởi phát gây ra căn bệnh này.

- Do di truyền

Các bệnh tiêu hóa nói chung đều có xu hướng tính chất gia đình, trong đó có bệnh viêm ruột. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguy cơ mắc bệnh viêm ruột của một người sẽ cao hơn nếu trong gia đình có người từng bị viêm ruột. Có khoảng 5% - 20% số người mắc bệnh viêm ruột có người thân như: cha, mẹ, anh chị em ruột... từng mắc bệnh.

Một số yếu tố rủi ro trong di truyền khác là nguy cơ di truyền của bệnh Crohn cao hơn so với viêm loét đại tràng. Nguy cơ mắc bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng cao hơn nếu cha mẹ đều mắc bệnh viêm ruột.

Mặc dù yếu tố di truyền được xem là một trong nhiều nguyên nhân khởi phát bệnh viêm ruột, nhưng vẫn không thể dựa vào đó để dự đoán ai có thể mắc bệnh Crohn.

- Do môi trường

Yếu tố môi trường cũng được xem là nguyên nhân khởi phát bệnh viêm ruột. Một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường lên con người có thể nhắc đến như đặc trưng khí hậu, những người sống ở miền Bắc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người sống ở miền Nam.

Chế độ ăn nhiều chất béo hoặc thực phẩm tinh chế có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột. Người ta còn tìm thấy chế độ ăn kiêng và căng thẳng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột cao hơn.

- Yếu tố nhiễm virus

Một số loại virus phổ biến gây viêm ruột có thể kể đến là: Salmonella, escherichia coli (hay E. coli), staphylococcus aureus (S. aureus) - vi khuẩn tụ cầu vàng, shigella - vi khuẩn gây bệnh lỵ trực khuẩn…

Các nghiên cứu cho thấy, nếu bất thường trong hệ thống miễn dịch cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm ruột. Bởi cơ chế hoạt động của hệ thống miễn dịch bình thường bảo vệ cơ thể và tiêu diệt những kẻ xâm lược cơ thể đến từ môi trường bên ngoài như vi khuẩn, virus, nấm và các vi sinh vật khác. Vì vậy, một số trường hợp bất thường của hệ thống miễn dịch, các tế bào trong đường tiêu hóa bị tấn công, dẫn đến tình trạng viêm mạn tính, loét dày lên ở thành ruột và cuối cùng là viêm ruột.

Đau bụng cảnh giác với viêm ruột và các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh - Ảnh 2.

Viêm ruột là bệnh đường tiêu hóa thường gặp và có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Ảnh minh hoạ.

Triệu chứng của viêm ruột

Viêm ruột là các rối loạn liên quan đến tình trạng viêm mạn tính trong đường tiêu hóa, bao gồm viêm loét đại tràng (viêm, loét dọc theo niêm mạc đại tràng và trực tràng) và bệnh Crohn (viêm niêm mạc đường tiêu hóa).

Theo đó, triệu chứng đặc trưng của cả hai dạng này đều là tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, sụt cân và chảy máu trực tràng. Như vậy, có thể nói triệu chứng của viêm ruột là tiêu chảy, đôi khi kèm máu và cảm giác đau bụng.

Cơn đau bụng có thể xảy ra từ mức độ vừa phải cho đến nghiêm trọng, khiến người bệnh đi ngoài nhiều lần trong ngày. Nếu tình trạng tiêu chảy không thuyên giảm sẽ khiến người bệnh bị mất nước, tim đập nhanh và tụt huyết áp. Trường hợp trong phân có máu, tiêu chảy kéo dài có thể khiến người bệnh bị mất máu, sẽ nguy hại đến tính mạng.

Viêm ruột cần làm gì?

Để chẩn đoán viêm ruột, ngoài các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm máu hoặc cấy phân để giúp xác định chính xác căn nguyên gây bệnh. Ngoài ra, có thể sẽ được chỉ định nội soi đại tràng hoặc nội soi dạ dày – tá tràng để nhìn rõ trong ruột hoặc sinh thiết để tiến hành chẩn đoán; phương pháp chụp X-quang, CT hoặc MRI… từ đó để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, người bệnh cần hạn chế ăn các loại thực phẩm, đồ uống từ sữa, để tránh làm trầm trọng hơn triệu chứng đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy…

Cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày, có thể 5 – 6 bữa nhỏ thay vì 2 – 3 bữa như thường lệ. Bên cạnh đó, cần uống nhiều nước mỗi ngày, tránh sử dụng rượu, trà, cà phê, đồ uống có gas.

Do mắc viêm ruột nên người bệnh sẽ chán ăn, tiêu chảy và kém hấp thu, vì thế việc bổ sung thực phẩm có lợi cho đường ruột là rất cần thiết. Các loại thực phẩm thường được khuyến cáo là rau quả có màu đỏ, vàng và xanh thẫm, khoai tây, giá đỗ xanh, sữa, thịt thăn lợn, thịt bò, thịt gà, trứng, dầu thực vật, mỡ lợn, mỡ gà… Các loại quả tươi như cam, chuối, bưởi, xoài, dừa, đu đủ…

Cần chú ý chế biến các món ăn mềm, giàu dinh dưỡng, giúp dễ tiêu hóa và hấp thu, ví dụ như: Cháo, sữa, súp, nước trái cây… Tránh một số loại đồ ăn (sữa, cà phê…) dễ làm các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

Tóm lại, viêm ruột là vấn đề thường gặp, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không điều trị hiệu quả. Một trong số đó là làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Vì vậy, khi có biểu hiện người bệnh cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Ngoài ra, để phát hiện bệnh các khuyến cáo cho thấy hàng năm nên tầm soát đường tiêu hóa định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng khác.

Theo BS Nguyễn Văn Dũng/suckhoedoisong.vn - 22/06/2023

https://suckhoedoisong.vn/trieu-chung-de-nhan-biet-cua-viem-ruot-va-cac-yeu-to-lam-tang-nguy-co-mac-benh-169230620095627092.htm