Thời gian qua ngành du lịch Quảng Trị đã có những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Trong đó, “du lịch thông minh” đang được triển khai với nền tảng số, công nghệ số, kinh tế số đã bắt đầu “bén duyên” ở địa phương này.
Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) được ví như “viên ngọc thô”, “nàng công chúa” về du lịch.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 562 di tích văn hóa vật thể và 342 di sản văn hóa phi vật thể, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Với các nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn giá trị như: Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Bắc Hướng Hóa, khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, trằm Trà Lộc, rừng sinh thái Rú Lịnh…; các cụm di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia (Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm gắn với sự kiện 81 ngày đêm năm 1972…), đây là tiền đề để xúc tiến và phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo thống kê, trong năm 2022, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn đã khôi phục được đà tăng trưởng, có nhiều bước phát triển khởi sắc với tổng lượng khách du lịch đến địa phương này ước đạt 1.550.000 lượt (tăng 301,5% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 198,7% so với kế hoạch đầu năm). Tổng doanh thu du lịch xã hội ước đạt 1.475 tỉ đồng (tăng 391,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 252,1% so với kế hoạch đầu năm), trong đó doanh thu chuyên ngành ước đạt 590 tỉ đồng.
Trong quý I/2023, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị ước đạt 457.630 lượt, trong đó khách quốc tế 9.300 lượt và khách nội địa ước đạt 448.330 lượt. Doanh thu xã hội ước đạt 372,4 tỉ đồng, trong đó doanh thu chuyên ngành ước đạt 125,7 tỉ đồng.
Vừa qua, thông qua đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị”, một ứng dụng trên điện thoại di động đã ra đời, hỗ trợ đắc lực cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá, du lịch và giáo dục.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch của tỉnh, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị đã chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị và một số đơn vị chức năng thực hiện nhiều nghiên cứu như: “Ứng dụng công nghệ GIS xây dựng hệ thống thông tin di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị”, “Xây dựng hệ thống thông tin di tích Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 bằng công nghệ GIS, 3D”, “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị”... nhằm góp phần xây dựng ngân hàng số di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh.
|
Thắp sáng du lịch đêm mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách.
|
Với một chiếc điện thoại thông minh, qua ứng dụng “Di sản văn hóa Quảng Trị”, du khách sẽ được trang bị đầy đủ những thông tin tiện ích để tham quan nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa như Cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm liên quan đến sự kiện 81 ngày đêm, Chùa Sắc Tứ, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn… và một số di sản văn hóa phi vật thể như Lễ hội hoa đăng trên sông Thạch Hãn, Đại hội hành hương La Vang (Kiệu la Vang), Lễ hội Chợ và Đình làng Bích La. Để tải ứng dụng, du khách có thể truy cập trực tiếp từ CH Play hoặc quét mã QR được đặt tại các điểm di tích.
Dù mới bước đầu triển khai áp dụng nhưng những nghiên cứu này đã phát huy hiệu quả, giúp hỗ trợ phát triển du lịch thông minh trên địa bàn. Đơn cử như cơ sở dữ liệu số về du lịch Quảng Trị bằng công nghệ GIS đã giúp số hóa và tích hợp các lớp dữ liệu của ngành du lịch theo một cơ chế thống nhất, phục vụ công tác quy hoạch, quản lý du lịch nói riêng, phát triển hệ thống bản đồ số của tỉnh và quốc gia nói chung.
Trong 2023, ngành Du lịch Quảng Trị đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường tuyên truyền, phổ biến phiên bản mới tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch với thông điệp “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động” đến các địa phương, điểm đến du lịch và các doanh nghiệp trong quá trình triển khai chuyển đổi số.
Đồng thời, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại điện tử; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với các doanh nghiệp sản xuất theo từng ngành hàng để tạo thêm các chuỗi liên kết mới trong lĩnh vực du lịch.
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, để kích cầu phát triển du lịch, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng phát triển sản phẩm du lịch mới như: Chương trình thí điểm thăm viếng Di tích Thành Cổ Quảng Trị, Bến thả hoa trên sông Thạch Hãn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn vào ban đêm; Hiệp hội du lịch tỉnh tổ chức tour du lịch Caravan “Khám phá du lịch miền Tây Quảng Trị”, tour du lịch Caravan “Biển gọi” để kích cầu du lịch biển.
Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ theo hướng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu những điểm đến đặc trưng của du lịch Quảng Trị, các sản phẩm du lịch Quảng Trị đến với du khách bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang fanpage và group mạng xã hội facebook “Visit Quang Tri”, “Checkin Quảng Trị”; các hội chợ, hội thảo…
Đặc biệt, chú trọng liên kết vùng, khu vực, các địa phương trong nước và quốc tế có thị trường khách lớn và ổn định, phù hợp với định hướng khai thác thị trường khách của địa phương; xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ quảng bá, xúc tiến du lịch cho chuyên viên chuyên trách xúc tiến du lịch.
Theo Quỳnh Nga/baophapluat.vn - 04/07/2023
https://baophapluat.vn/chuyen-doi-so-chia-khoa-phat-trien-du-lich-quang-tri-post480196.html#480196|zone-timeline-1354|0