Vài năm trở lại đây, các vấn đề tâm lý liên quan tới căng thẳng trong công việc, nghiêm trọng và phổ biến nhất là hội chứng kiệt sức, đã trở thành nỗi lo ngại lớn của những người trẻ và ngày càng phát triển theo chiều hướng xấu đi nhanh chóng.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hội chứng kiệt sức (burn-out syndrome, theo nghĩa đen được dịch là hội chứng “cháy sạch”) là một hội chứng tâm lý mang tính nghề nghiệp, xảy ra như một phản ứng với căng thẳng mãn tính không được xử lý, kiểm soát triệt để trong công việc. Hội chứng đặc trưng bởi 3 khía cạnh xảy ra cùng lúc mà một cá nhân phản ứng với căng thẳng mãn tính: khía cạnh phản ứng với môi trường công việc, khía cạnh góc nhìn về bản thân và khía cạnh phản ứng với tính chất, khối lượng công việc.
Cụ thể hơn, theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), đối với mỗi khía cạnh trên, hội chứng kiệt sức lại có những triệu chứng tiêu biểu như: cảm giác uể oải, mệt mỏi, kiệt quệ năng lượng khi làm việc; thái độ khó chịu, xa cách, mất động lực, sợ hãi, thậm chí trở nên dễ cáu gắt, thù ghét với công việc, đồng nghiệp hiện tại; có thái độ hoài nghi về khả năng, thành tựu đạt được của bản thân trong công việc, cảm thấy những công việc mình thực hiện chưa đủ tốt, hoặc cảm thấy áp lực phải làm việc tăng cường, liên tục hơn do chưa đáp ứng được kỳ vọng của bản thân; giảm hiệu suất làm việc một cách đáng kể…
Những dấu hiệu của hội chứng “cháy sạch”. Ảnh: PsychCentral (dịch).
Thế hệ trẻ “cháy sạch, cháy rụi” dưới áp lực
So với các hội chứng tâm lý khác, việc cá nhân nhận ra mình có đang mắc phải hội chứng kiệt sức hay không còn gặp nhiều khó khăn, bởi các triệu chứng của hội chứng này thường dễ bị phớt lờ hoặc coi nhẹ thành các yếu tố khác như mệt mỏi do làm việc nhiều, thiếu ngủ, … Bên cạnh đó, cá nhân những bạn trẻ đã “cháy sạch” cũng khó có thể tự xác định được nguyên nhân gây ra hội chứng, bởi trong guồng quay công việc, học tập mà chính họ đang mắc phải, việc các bạn trẻ ấy thực sự chậm lại để thực sự nhận ra rằng, mình đang gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng cần phải được giải quyết. Và cũng vì thế, mà “đám cháy tinh thần” này ngày càng lan rộng bên trong tinh thần của họ.
Ngô Phương Thảo – sinh viên năm 2 khoa Truyền thông quốc tế, Học viện Ngoại giao với học lực xuất sắc, hiện đang vừa đi học, vừa làm trợ giảng Tiếng Anh bán thời gian chia sẻ, thời gian đầu Thảo cũng không biết mình bị “cháy sạch”, chỉ cảm thấy mình luôn trong trạng thái uể oải, thiếu ngủ, mất động lực học tập, làm việc dù đã cố gắng tự vực dậy tinh thần và đi ngủ sớm nhiều lần.
Thảo tâm sự, mọi nỗ lực đi ngủ sớm đều thất bại, bởi chỉ cần nằm im được đôi phút là cô sinh viên nhỏ lại tự trách bản thân mình còn lười biếng, kém cỏi và cần cố gắng nhiều hơn. Thảo cho rằng, ngoài kia còn biết bao sinh viên thức xuyên đêm học tập, làm việc để cải thiện bản thân, thì việc bản thân đi ngủ sớm là “không chấp nhận được”, và bản thân cần phải cố gắng theo kịp các bạn đồng trang lứa. Song sau cả một ngày dài làm việc không ngơi nghỉ, Thảo cũng chẳng còn sức lực để thực sự ngồi dậy để bắt đầu vào việc tiếp. Cứ thế, cô sinh viên nhỏ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của việc nằm yên mãi vẫn thấy mệt, vẫn chẳng cảm thể hồi phục sức lực để tiếp tục “cháy với đam mê” trong việc học, việc làm.
Từng có thời gian dài trải qua hội chứng “cháy sạch”, Trần Kiều My - sinh viên giỏi năm thứ 2 trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên Toàn cầu NEU Global Student - cũng rất đồng cảm và thấu hiểu tình trạng “kiệt sức khi chưa làm được gì” của các bạn trẻ ngày nay. My chia sẻ: “Em nghĩ rằng, nguyên nhân chính khiến giới trẻ chúng em ngày nay gặp phải tình trạng burn-out là do áp lực đồng trang lứa và những kì vọng mà chúng em đặt lên chính mình. Thời gian trải qua burn-out nặng nhất, em đã từng kì vọng rất cao vào bản thân. Em muốn mình phải vừa có công việc thu nhập cao, vừa có kết quả tốt trong học tập, nhưng đồng thời em cũng đặt mục tiêu phải tham gia được càng nhiều chương trình, hoạt động ngoại khóa càng tốt. Vì để đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc như vậy, thời điểm ấy, em không chú trọng đến sức khỏe của bản thân, cũng không chịu thừa nhận rằng sức mình có hạn, mà luôn thức đêm làm việc đến 3-4 giờ sáng mới ngủ, rồi 7 giờ sáng lại dậy để đi học trên trường. Hậu quả là, không chỉ công việc, tinh thần của em mà mọi người xung quanh em đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Em không thể hài lòng với bản thân em hay những thành quả mà em đã đạt được, em cảm thấy em cố mãi, cố mãi vẫn không thể đạt tới mục tiêu đặt ra, nên em luôn trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, cáu gắt với mọi người xung quanh em, khiến những người em yêu thương nhiều lần cảm thấy bị tổn thương và lo lắng cho sức khỏe, tinh thần của em”.
Trần Kiều My, chủ nhiệm câu lạc bộ Sinh viên toàn cầu NGS. Ảnh: NGS
Những hậu quả khôn lường của hội chứng “cháy sạch”
Hội chứng “cháy sạch” không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý của bản thân và những người xung quanh, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất của người mắc phải. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), hội chứng kiệt sức có khả năng cao dẫn đến những căn bệnh nguy hiểm như: bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch, mất ngủ kéo dài, đau đầu, đau thắt cơ, các bệnh về dạ dày, hô hấp, nặng hơn là tăng cao tỷ lệ tử vong dưới 45 tuổi. Đồng thời, về mặt tâm lý, hội chứng kiệt sức có thể kéo theo những hội chứng, bệnh tâm lý khác như trầm cảm, lạm dụng chất kích thích, lạm dụng chất an thần để trốn tránh khỏi căng thẳng …
Vượt qua hội chứng “cháy sạch”: Từ bỏ mục tiêu phi thực tế để tận hưởng hạnh phúc thực sự
Để vượt qua hội chứng kiệt sức, My thẳng thắn chia sẻ: “Thật lòng em thấy, để thực sự vượt qua được burnout, những lời khuyên về việc học cách sắp xếp thời gian hay cần chú trọng hơn vào sức khỏe là chưa đủ. Đối với em hồi đó, hay những bạn trẻ vẫn đang “cắm đầu cắm cổ” chạy tới mục tiêu của mình, những mục tiêu của chúng em còn cao hơn yếu tố sức khỏe, nên những lời khuyên ấy chỉ là “nước đổ đầu vịt”. Việc quan trọng nhất mà mỗi bạn trẻ đang “cháy sạch” cần phải hỏi bản thân mình, là liệu việc nỗ lực quá sức như vậy có phải là điều sẽ mang đến hạnh phúc thực sự cho họ chưa. Với em, khi thấy việc mong muốn quá nhiều phản tác dụng, khiến bản thân và công việc đều không thực sự phát triển được, em đã hiểu ra rằng, việc cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để làm được tất cả mọi việc trong một ngày không phải là phương án tối ưu nhất. Phương án tốt nhất và bền vững nhất chính là sắp xếp mục tiêu của chính mình. Em nhận ra, những mục tiêu em đặt ra không khiến em hạnh phúc, mà chúng chỉ xuất hiện vì nỗi sợ bản thân sẽ tụt lùi, kém cạnh so với các bạn đồng trang lứa. Từ đó, em dần tìm được những mục tiêu thật sự của mình, cũng dần thả lỏng và cảm thấy thoải mái, hài lòng hơn với bản thân”.
Giới trẻ “cháy sạch” trong công việc. Ảnh: IBX Insights - Independence Blue Cross
Tiến sĩ Tâm lý học Christina Maslach, đồng tác giả cuốn sách “The Burnout Challenge: Managing People’s Relationships With Their Jobs” (tạm dịch: Thử thách “cháy sạch”: Kiểm soát mối quan hệ giữa con người và công việc của họ), đồng thời là nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường làm việc lành mạnh và bền vững Healthy Workplaces Center (HWC) tại Đại học California, Berkeley, cũng chia sẻ trong cuốn sách của mình về hạnh phúc: “Điều quan trọng là bạn phải tận hưởng cuộc sống của mình chứ không phải chỉ là đạt được những mục tiêu trong công việc. Hãy nhìn vào toàn bộ cuộc sống của bạn và đảm bảo rằng trong đó có những niềm vui riêng của bạn và bạn có thời gian cho những niềm vui đó”.
Có thể thấy, việc mong muốn đạt được những mục tiêu của chính mình hay đặt áp lực lên bản thân không phải là xấu, nhưng bản thân mỗi bạn trẻ nói chung và những người đang gặp phải hội chứng “cháy sạch” nói riêng cần học cách đặt mục tiêu sao cho thực tế. Hơn thế, quan trọng nhất là đặt sức khỏe và hạnh phúc đích thực lên làm mục tiêu hàng đầu. Chỉ khi xác định được đúng mục tiêu, họ mới có thể tìm lại được ngọn lửa đam mê của mình, để một lần nữa tiếp tục cố gắng phát triển vươn tới mục tiêu đề ra.
Theo Phan Thu Ngân/VOV2 - 06/07/2023
https://vov.vn/doi-song/hoi-chung-nam-khong-van-kiet-suc-cua-gioi-tre-post1030884.vov