Cập nhật: 07/07/2023 14:50:00
Xem cỡ chữ

NASA cho biết hố đen siêu lớn được Kính viễn vọng Không gian James Webb phát hiện, nằm ở trung tâm thiên hà CEERS 1019, vốn được hình thành cách đây hơn 570 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.

NASA phat hien ho den sieu lon cach xa Trai Dat nhat tu truoc den nay hinh anh 1

Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA. (Nguồn: NASA)

Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện một hố đen có kích thước rất lớn đang hoạt động ở khoảng cách xa Trái Đất nhất từ trước tới nay.

Theo thông báo phát ngày 6/7, NASA cho biết hố đen trên nằm ở trung tâm thiên hà CEERS 1019, vốn được hình thành cách đây hơn 570 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.

Hố đen siêu lớn đang hoạt động này không những khác thường về tuổi và khoảng cách với Trái Đất, mà khác cả về trọng lượng, chỉ gấp 9 triệu lần trọng lượng của Mặt Trời.

Sự chênh lệch này là rất nhỏ so với thông thường, khi phần lớn các hố đen siêu lớn trong vũ trụ sơ khai đều nặng hơn 1 tỷ lần so với khối lượng Mặt Trời, khiến chúng sáng hơn và dễ phát hiện hơn.

JWST còn phát hiện 11 ngân hà vốn được hình thành khi vũ trụ được 470-675 triệu năm tuổi.

NASA cho biết hố đen ở trong thiên hà CEERS 1019 giống với hố đen ở trung tâm dải Ngân Hà hơn, vốn có khối lượng gấp 4,6 triệu lần so với khối lượng của Mặt Trời. Hố đen này cũng không sáng như những hố đen lớn khác được phát hiện trước đây.

Theo NASA, mặc dù có kích thước nhỏ hơn nhưng hố đen này lại xuất hiện từ sớm hơn rất nhiều, do vậy cách thức hố đen này có thể tồn tại ngay sau khi vũ trụ được hình thành vẫn còn là một ẩn số./.

Theo Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+) - 07/07/2023

 https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-ho-den-sieu-lon-cach-xa-trai-dat-nhat-tu-truoc-den-nay/873593.vnp