Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện theo khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đến nay đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc vi phạm như Phú Yên, Tiền Giang. Chỉ còn một số ít tỉnh vẫn còn tình trạng vi phạm như Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre, Kiên Giang.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, trong thời gian tới, các địa phương phải tập trung làm quyết liệt, nhất là việc quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc.
Phát biểu tại cuộc họp báo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/7, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần phải quan tâm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU, bởi hiện nay không chỉ có EU khuyến nghị mà cả Nhật Bản, Mỹ cũng quan tâm tới lĩnh vực này. “Sắp tới không chỉ ở biển mới có IUU mà còn có thể cả IUU trên rừng…”, Thứ trưởng nói.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, vấn đề quản lý đội tàu và giám sát đội tàu… vẫn còn nhiều bất cập và nguy cơ cao nằm ở số tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Bên cạnh đó, có tàu đã lắp thiết bị nhưng cũng không để thiết bị hoạt động 100% mà lại ngắt kết nối, hoặc xảy ra tình trạng gửi thiết bị sang tàu khác. Tàu đi khai thác về phải có nhật ký khai thác nhưng lại là “hồi ký” chứ không phải nhật ký. Thậm chí 10 tàu còn có chữ giống nhau.
“Do vậy việc quản lý và giám sát đội tàu còn nhiều vấn đề. Từ đầu năm vẫn còn tình trạng tàu vi phạm khai thác IUU. Mà tàu còn vi phạm thì không thể gỡ thẻ vàng. Dứt khoát phải quản lý và xử lý vi phạm quyết liệt, nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo ông Dương Văn Cường, Cục phó Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về kết quả thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), đến nay khung pháp lý đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU và được EC đánh giá hoàn thiện tốt nhưng vẫn phải cập nhật: sửa đổi một số điều trong Nghị định 42/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…
Ông Dương Văn Cường cho biết, Việt Nam cũng đã thực hiện cắt giảm số lượng tàu cá, cường lực khai thác trên phạm vi toàn quốc, đã giảm được 9.789 chiếc so với năm 2019). Về Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) đã triển khai tại 31 địa phương có liên quan; trong đó, tổng số tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đã được cập nhật trên cơ sở dữ liệu là 73.282 chiếc. Về cấp giấy phép khai thác thủy sản: Tổng số tàu cá từ 15m trở lên đã được cấp phép còn hạn là 27.810/29.489 chiếc (đạt 94,3%).
Cho đến này, các địa phương, đơn vị chức năng đã sử dụng Hệ thống giám sát tàu cá để theo dõi, giám sát tàu cá trên biển. Đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đạt 97,65%. Hệ thống giám sát tàu cá triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, giám sát.
Cùng với đó, lực lượng Biên phòng địa phương kiểm tra, kiểm soát điều kiện của tàu cá theo quy định trước khi xuất bến, nhập bến. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt tại vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước.
Các đơn vị, địa phương thực hiện theo quy trình kiểm soát tàu cá từ khi rời cảng đến khi cập cảng, đối chiếu Nhật ký khai thác với dữ liệu giám sát tàu cá (VMS), danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU và dữ liệu tàu cá trên cơ sở dữ liệu nghề cá Quốc gia để kiểm tra, kiểm soát, xử lý nếu có hành vi khai thác IUU.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã bố trí nguồn lực, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng… nên kết quả thực hiện tương đối tốt như: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang….
Về việc chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đã tổ chức triển khai cơ bản đáp ứng yêu cầu. Cụ thể như: Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước được kiểm soát theo chuỗi, xác nhận tại 53 cảng cá chỉ định, chứng nhận tại Chi cục Thủy sản, cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến; Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu đảm bảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và cơ bản đáp ứng được Hiệp định PSMA tại 14 cảng biển chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng.
Mặc dù vậy, theo ông Dương Văn Cường, hiện vẫn còn xảy ra tình trạng tàu vi phạm bị xử phạt, xử lý còn thấp so với yêu cầu. Việc mất kết nối để tránh sự giám sát vẫn xảy ra nhưng chưa được xác minh, xử lý triệt để tình trạng này.
Hiện cũng chưa có giải pháp xử lý tàu cập bến cảng tư nhân, cảng không được chỉ định để bốc dỡ thủy sản nên việc thống kê, giám sát sản lượng tại các địa phương chưa đạt yêu cầu.
Ông Cường cho biết, trước tồn tại, này Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo các địa phương từ nay đến tháng 10 tập trung chỉ đạo thực hiện theo các giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu. Tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển để xử lý vi phạm kịp thời; quản lý giám sát VMS để đảm bảo độ tin cậy trong truy xuất nguồn gốc…
Theo Hoàng Tùng – Bích Hồng (TTXVN) - 03/07/2023
https://baotintuc.vn/bien-dao-viet-nam/tap-trung-quan-ly-tau-ca-truy-xuat-nguon-goc-20230703192514567.htm