Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ẩm thực đặc sắc và nét văn hóa đậm đà bản sắc là những lợi thế để ngày càng có nhiều mô hình du lịch cộng đồng ở Lạng Sơn. Đây là hướng phát triển góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đem lại thu nhập ổn định cho bà con, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn được thiên nhiên ưu đãi với dãy núi đá vôi với nhiều hang động và dòng suối trong xanh uốn lượn bao quanh. Du khách đến đây được hòa mình vào bầu không khí trong lành, thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ; được trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương và đắm mình trong các làn điệu hát ví, hát then, thưởng thức các món ăn đặc trưng như bánh chưng đen, xôi cẩm, lạp xưởng…
Được ưu đãi với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất sở hữu nhiều ưu đãi của thiên nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều người dân tộc Tày tại Bắc Sơn đã mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch cộng đồng với sự hỗ trợ của chính quyền cả về vốn và kinh nghiệm làm du lịch. Năm 2010, gia đình bà Dương Thị Nhã mạnh dạn vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để chuyển đổi mô hình sản xuất từ chăn nuôi sang phát triển du lịch. Thời điểm đó ở trong xã, đi vay số tiền lớn như vậy là điều ít ai dám làm, nhưng giờ đây, sau hơn 12 năm, homestay của gia đình bà Nhã đã trở thành một trong những địa điểm “hot” thu hút đông du khách khi đến Bắc Sơn. Mô hình du lịch này đã mang lại thu nhập ổn định mỗi năm từ 200-300 triệu đồng.
“Trước nhà tôi bán phân bón, vừa chăn nuôi lợn, sau chuyển sang phát triển du lịch vì tôi thấy làm cũng nhàn hơn, khách họ về đông thì cả nhà ai cũng vui. Thu nhập thì cũng hơn làm nông nghiệp nhiều, vì mỗi tháng có 2-3 đoàn khách là mình đã bằng 1 năm làm ruộng rồi”, bà Dương Thị Nhã cho biết.
Phát triển du lịch cộng đồng là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch của tỉnh Lạng Sơn
Du lịch cộng đồng ở Bắc Quỳnh gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa thu hút đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài sức hút của thiên nhiên hùng vĩ, điều khiến du khách tò mò hơn cả là cách làm du lịch độc đáo của người Tày xứ Lạng rất chân chất, thật thà.
Ông Dương Công Trích - chủ một homestay trên địa bàn nói: “Kinh doanh homestay cũng giải quyết công ăn việc làm cho bà con trong thôn bản, giúp xóa đói giảm nghèo được phần nào đó, được một khoản thu nhập nhất định để trang trải cuộc sống hằng ngày. Cũng mong rằng du khách ngày một nhiều để du lịch phát triển, đó cũng là động lực để gia đình tiếp tục mạnh dạn đầu tư”.
Ban đầu chỉ với 1 vài cơ sở, đến nay tại huyện Bắc Sơn có hơn 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch. Mô hình kinh tế này cũng đang mở ra cơ hội cho nhiều người dân cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế. “Có thể thấy phát triển du lịch cộng đồng vẫn là một hướng đi đúng đắn và đem lại nguồn thu nhập cho những hộ dân vốn ngày xưa chỉ dựa vào nông nghiệp, giờ đã chuyển sang làm dịch vụ một cách bài bản hơn. Với những lợi thế, tiềm năng thiên nhiên phong phú của huyện như hang động, sông suối, hệ thống di tích lịch sử thì phát triển du lịch sẽ là một hướng đi tiến tới giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”, ông Hoàng Thọ Hảo, cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Bắc Sơn cho biết.
Du lịch cộng đồng cũng là hướng đi đúng góp phần bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Dù người dân đầu tư, gây dựng thương hiệu nhưng mô hình du lịch cộng đồng tại Lạng Sơn vẫn còn khá nhỏ lẻ, chủ yếu mang tính tự phát, chưa được đầu tư quy mô, bài bản. Các dịch vụ du lịch tại địa phương còn đơn điệu, hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, nội lực đầu tư trong dân và chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế…
Ông Ngô Mạnh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Lạng Sơn đánh giá: “Hiệp hội cũng đưa ra nhiều nội dung liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ, lưu trú để định hướng cho các hội viên thực hiện đào tạo, định hướng cho bà con phục vụ khách được đạt chuẩn; liên kết với 1 số ngân hàng để có định hướng vay vốn ưu đãi cho bà con. Chúng tôi cũng có ý kiến với chính quyền đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng, nhất là những con đường đến các điểm du lịch cộng đồng, tập trung hạ tầng điện, nước, viễn thông… để hoạt động du lịch cộng đồng sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới”.
Để phát triển du lịch cộng đồng, nhiều chính sách đang tiếp tục được triển khai và phát huy hiệu quả như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các điểm du lịch; tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ gia đình tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng… Ông Nguyễn Phúc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết từ mô hình đầu tiên thành công ở xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, đến nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 5 làng du lịch cộng đồng được công nhận. Ngoài ra, nhiều điểm du lịch cộng đồng tại các huyện có tiềm năng cũng đang được quảng bá, triển khai xây dựng.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho bà con; cùng tháo gỡ khó khăn trong cơ chế chính sách hỗ trợ; phối hợp với các cấp thu hút các nhà đầu tư lớn để làm đòn bẩy. Làm thế nào hòa nhập nhưng không hòa tan, phải giữ được những sản phẩm khác biệt, biến sản phẩm đó thành sinh kế của người dân”, ông Nguyễn Phúc Hà nói.
Phát triển du lịch cộng đồng là mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch của tỉnh Lạng Sơn. Đây cũng là hướng đi góp phần bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Theo Duy Thái/VOV-Đông Bắc - 09/07/2023
https://vov.vn/du-lich/lang-son-phat-trien-du-lich-cong-dong-gan-voi-giam-ngheo-ben-vung-post1030770.vov