Nhằm cụ thể hóa mục tiêu đưa công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu, cùng với cơ chế, chính sách của tỉnh, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh kế hoạch đào tạo phù hợp với định hướng, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Vĩnh Phúc hiện có khoảng 300 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung chủ yếu vào 5 nhóm ngành chính như: Công nghiệp cơ khí, công nghiệp ô tô, xe máy, công nghiệp điện tử - tin học, công nghiệp dệt may, giày dép và công nghiệp vật liệu xây dựng.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã mở rộng ngành nghề đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế đào tạo nghề chất lượng cao, trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là thế mạnh của tỉnh.
Nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khá lớn, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, cũng chính là động lực để nhiều sinh viên lựa chọn theo học các ngành nghề liên quan ngành công nghiệp hỗ trợ.
Toàn tỉnh có 33 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao; quy mô đào tạo được mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp.
Năm 2022, các cơ sở đã tuyển mới gần 29.000 học sinh, sinh viên, tỷ lệ tốt nghiệp ra trường và có việc làm đúng nghề được đào tạo trên 80%, trong đó, các nghề trọng điểm đạt trên 90%./.
Thu Hoài