Để chủ động phòng chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và kết cấu hạ tầng trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:
1. Thực hiện nghiêm Công điện số 591/CĐ-TTg ngày 29/6/2023, Công điện số 607/CĐ TTg ngày 01/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 17/4/2023 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2023.
2. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, kênh, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về người, tài sản, kết cấu hạ tầng.
3. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh: Theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, sạt lở, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở gây ra.
4. Sở Nông nghiệp và PTNT: Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở và thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo phòng chống thiên tai tại các công trường xây dựng thuộc phạm vi quản lý, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tham mưu cho UBND tỉnh quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra giám sát việc cấp phép, khai thác đất, đá, cát, sỏi trên sông, suối, để hạn chế xảy ra sạt lở; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát, sỏi, tập kết vật liệu xây dựng trái phép theo đúng quy định của pháp luật.
6. Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại các công trường xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ theo thẩm quyền.
7. Công an tỉnh: Tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát, sỏi trên sông, suối trái phép theo đúng quy định của pháp luật.
8. Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin truyền thông phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh: Tăng cường phổ biến pháp luật về phòng chống thiên tai, sạt lở, hướng dẫn cho người dân kỹ năng ứng phó sạt lở.
9. UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo UBND cấp xã và cơ quan chức năng chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học... để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
10. Các sở, ngành khác: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống thiên tai,sạt lở theo chức năng quản lý nhà nước được phân công./.