Cập nhật: 18/07/2023 16:45:00
Xem cỡ chữ

Đợt phim sẽ trình chiếu bộ phim "Đứa con và người lính” của đạo diễn Châu Huế - một số những bộ phim gây xúc động nhất của điện ảnh Việt Nam về tình cảm gia đình trong chiến tranh.

Chum phim dien anh ky niem 76 nam Ngay Thuong binh-Liet sy 27/7 hinh anh 1

Chùm phim kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ. (Nguồn: Viện Phim Việt Nam)

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), từ ngày 25-27/7, Viện phim Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức chương trình chiếu phim truyện Việt Nam miễn phí phục vụ khán giả.

Các phim được giới thiệu trong đợt phim này gồm: “Đứa con và người lính," “Người về đồng cói”  “Rừng lạnh."

Theo Viện Phim Việt Nam, chương trình chiếu lần này góp phần thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái," lòng quý trọng, biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người anh hùng, liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thông qua chương trình, Viện Phim Việt Nam giới thiệu các tác phẩm điện ảnh cách mạng tới khán giả, tôn vinh người có công với cách mạng, khẳng định sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, chiến sỹ là vô giá, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn và thực hiện có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa."

Trong số 3 phim được chiếu lần này, “Đứa con và người lính” của đạo diễn Châu Huế là một câu chuyện đầy éo le và cảm động về tình cảm gia đình trong chiến tranh.

Phim xoay quanh một gia đình nông dân yêu nước, người cha xung phong ra chiến trường chiến đấu, để lại người vợ và đứa con vừa tròn một tuổi ở quê.

Nhiều năm sau, người con trưởng thành cũng đã xung phong vào chiến trường với khao khát tham gia cuộc kháng chiến giải phóng đất nước và mong mỏi gặp lại người cha xa cách đã lâu. Nhưng chiến trường không phải là nơi dễ dàng cho những cuộc đoàn tụ.

"Đứa con và người lính” nằm trong số những bộ phim gây xúc động nhất của điện ảnh Việt Nam.

Phim “Người về đồng cói” do nghệ sỹ Bành Diệp làm đạo diễn. Phim kể về Lê Văn, người chiến sỹ đã cống hiến một phần thân thể trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng không chịu hưởng quyền được nghỉ ngơi mà muốn phát huy tinh thần của người lính vào việc xây dựng quê nhà.

Tuy nhiên, chiến trường và ngoài đời không giống nhau, khi đối mặt với lối làm ăn lười biếng của một số người, tinh thần dũng cảm, cương quyết dám hy sinh và dám đấu tranh của Lê Văn chưa được anh áp dụng linh hoạt, khiến anh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, việc làm cũng như tình cảm.

Còn “Rừng lạnh” là bộ phim của đạo diễn Trần Phương, có sự tham gia của các diễn viên Phương Thanh, Lâm Hùng, Đặng Việt Bảo.

Trong phim, Giáo sư Thành nghiên cứu chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống miền Nam nhưng không may ông bị nhiễm độc và chết.

Nẫm, Hải và Liễu, những học sinh của Giáo sư có nhiệm vụ đi theo ôtô chở thi thể ông cùng toàn bộ tài liệu nghiên cứu ra miền Bắc. Toán biệt kích đã đuổi theo để cướp thi thể Giáo sư cùng tài liệu.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa ta và địch, Hải và Nẫm hy sinh. Liễu cũng bị nhiễm chất độc hóa học và chết. Cả toán biệt kích cũng không hoàn thành nhiệm vụ và chết do chính chất độc hóa học đó.

Chương trình chiếu phim truyện Việt Nam diễn ra tại rạp Ngọc Khánh (523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) vào 9 giờ sáng các ngày từ 25-27/7. Cụ thể, phim Đứa con và người lính (chiếu ngày 25/7); phim Người về đồng cói (ngày 26/7) và “Rừng lạnh” (ngày 27/7)./.

Theo Phương Lan (TTXVN/Vietnam+) - 18/7/2023

https://www.vietnamplus.vn/chum-phim-dien-anh-ky-niem-76-nam-ngay-thuong-binhliet-sy-277/875790.vnp