Cập nhật: 19/07/2023 08:00:00
Xem cỡ chữ

Ban Tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Thể lệ Hội thi Hoà giải viên giỏi lần thứ IV năm 2023 như sau:

I. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, TRANG PHỤC

1. Nội dung và điểm số các phần thi

1.1. Nội dung

- Phần thi giới thiệu

Nội dung: Giới thiệu về đội thi và địa phương mình (như, giới thiệu tên thành viên chính thức của đội thi; sơ lược công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương, đặc trưng văn hóa xã hội, phong tục tập quán, điều kiện địa lý, chính trị, kinh tế và các yếu tố tác động đến công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương hoặc đóng góp của công tác hòa giải ở cơ sở đối với sự phát triển của địa phương; mong muốn khi đến với Hội thi…).

Hình thức thể hiện: Các đội thi có thể giới thiệu bằng lời nói, hoặc bằng thơ, ca, hò, vè, văn vần...

Thời gian thi: Thời gian giới thiệu của mỗi đội thi không quá 05 phút (nếu quá từ 01 phút trở lên, mỗi phút sẽ bị trừ 01 điểm).

- Phần thi lý thuyết

Nội dung thi: Các đội bốc thăm gói câu hỏi (gồm 06 câu) do Ban Tổ chức chuẩn bị (trong đó có 05 câu hỏi trắc nghiệm và 01 câu hỏi tình huống).

+ Trả lời câu hỏi trắc nghiệm: Câu hỏi trắc nghiệm được chiếu trên bảng điện tử và được người dẫn chương trình đọc lại. Người dẫn chương trình đọc xong câu hỏi, đội thi đưa ra phương án trả lời. Sau khi đáp án được công bố, chuyển sang câu hỏi tiếp theo đến hết.

+ Xử lý tình huống: Tình huống được chiếu trên bảng điện tử và được người dẫn chương trình đọc lại. Đội thi có 01 phút để suy nghĩ và thảo luận. Kết thúc thời gian suy nghĩ, một thành viên thay mặt đội, trình bày phương án xử lý tình huống, các thành viên khác được bổ sung, đính chính (nếu thấy cần thiết).

Hình thức thể hiện: Mỗi đội chọn cử một người đại diện ra sân khấu bốc thăm và trả lời câu hỏi trắc nghiệm và giải quyết tình huống hiện trên màn hình và MC đọc

Thời gian thi: Thời gian trả lời câu hỏi tình huống của mỗi đội thi không quá 03 phút, kể cả phần bổ sung, đính chính (nếu quá từ 01 phút trở lên, mỗi phút sẽ bị trừ 01 điểm).

- Phần thi tiểu phẩm:

Nội dung phần thi: Đội thi trình bày, biểu diễn tiểu phẩm dự thi đã được chuẩn bị trước. Nội dung tiểu phẩm phán ánh về một vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công và mang lại hiệu ứng tích cực trong dư luận, cũng như góp phần giữ gìn an ninh trật tự, sự bình yên, đoàn kết, hạnh phúc cho gia đình, cộng đồng dân cư.

Hình thức thể hiện của tiểu phẩm bao gồm: Kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác, bảo đảm có sự liên kết và thống nhất giữa chủ đề với nội dung, hình thức và thông điệp cần truyền tải.

Thời gian thi: Thời gian thi của mỗi đội không quá 07 phút (nếu quá từ 01 phút trở lên, mỗi phút sẽ bị trừ 01 điểm).

1.2. Điểm số các phần thi: Tổng số 100 điểm, trong đó:

- Phần thi giới thiệu: 20 điểm.

- Phần thi lý thuyết: 35 điểm, trong đó:

+ Trả lời câu hỏi trắc nghiệm (5 câu hỏi): Tối đa được 20 điểm, mỗi câu trả lời đúng được 04 điểm

+ Xử lý tình huống: Tối đa 15 điểm

- Phần thi tiểu phẩm: 40 điểm.

- Điểm thưởng: Tối đa 05 điểm (Đúng chủ đề, mục đích ý nghĩa của cuộc thi, có đầu tư công phu cho tất cả các phần thi, có cổ động viên đông và nhiệt tình nhất…)

2. Hình thức: Hội thi được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa. Các đội thi sẽ bốc thăm và thi theo thứ tự từ thấp đến cao, chia 03 lần. Cụ thể:

- Lần thi thứ nhất: Phần thi giới thiệu

- Lần thi thứ hai: Phần thi lý thuyết

- Lần thi thứ ba: Phần thi tiểu phẩm.

3. Trang phục: Trang phục phù hợp với nội dung thi, đảm bảo trang trọng, lịch sự.

II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM

1. Đối tượng dự thi

Đối tượng tham dự Hội thi là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở đạt giải cao tại Hội thi Hòa giải viên giỏi cấp huyện hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho cấp huyện tham dự Hội thi cấp tỉnh.

Mỗi một đơn vị cấp huyện chọn 01 đội thi đại diện tham dự Hội thi cấp tỉnh. Mỗi đội thi 03 thành viên chính thức, 01 thành viên dự bị là hòa giải viên. Đối với phần thi giới thiệu và tiểu phẩm, ngoài thành viên chính thức, đội thi được huy động tối đa không quá 05 người khác tham gia các vai phụ.

Danh sách đội thi (thành viên chính thức và người được huy động tham gia) gửi về Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban Tổ chức Hội thi trước ngày 25/7/2023.

2. Thời gian: Dự kiến trước ngày 10/8/2023 (Thời gian cụ thể BTC sẽ thông báo sau).

3. Địa điểm: Tại thành phố Vĩnh Yên,

III. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

1. Cổ động viên: Mỗi huyện, thành phố cử tối thiểu 40 cổ động viên là hòa giải viên tham dự hội thi.

2. Đạo cụ, cơ sở vật chất phục vụ hội thi:

- Đạo cụ, dàn nhạc phục vụ thí sinh tham gia Hội thi do các huyện, thành phố tự bố trí. Trường hợp sử dụng nhạc cụ của Ban Tổ chức thì phải đăng ký và thống nhất về nội dung với Ban tổ chức.

- Các huyện, thành phố có thể có băng rôn, khẩu hiệu... để cổ động cho đội thi (Không dùng các dụng cụ gây cháy, nổ hoặc mất an ninh trật tự) và có trách nhiệm quản lý cổ động viên của đội mình đến khi Hội thi kết thúc.

IV. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

Ban Tổ chức Hội thi tặng Giấy Chứng nhận kèm theo tiền thưởng cho đội thi đạt giải. Cơ cấu giải thưởng gồm:

- 01 giải Nhất: Trị giá 5.000.000đ.

- 02 giải Nhì: Mỗi giải trị giá 4.000.000đ.

- 03 giải Ba: Mỗi giải trị giá 3.000.000đ.

- 03 giải Khuyến khích: Mỗi giải trị giá 2.000.000đ

- 04 giải phụ: Mỗi giải trị giá 500.000đ bao gồm các giải:

+ Giải cho đội thi có màn chào hỏi hay nhất

+ Giải cho đội thi xử lý tình huống hay nhất

+ Giải cho đội thi có phần tiểu phẩm hay nhất

+ Giải cho người diễn xuất xuất sắc nhất.

Tùy theo kết quả Hội thi, cơ cấu giải thưởng của Hội thi có thể thay đổi do Ban Tổ chức Hội thi quyết định.

V. KHÔNG CÔNG NHẬN KẾT QUẢ THI VÀ KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

1. Các trường hợp không công nhận kết quả thi

1.1. Có thành viên chính thức của đội thi (hoặc thành viên dự bị thi thay thành viên chính thức) không phải là hòa giải viên ở cơ sở được bầu, công nhận theo quy định của pháp luật hòa giải ở cơ sở.

1.2. Đội thi (bao gồm thành viên chính thức, thành viên dự bị và người được huy động tham gia đội thi) có hành vi gian lận, vi phạm Thể lệ thi.

1.3. Trong phần thi giới thiệu, tiểu phẩm có hành vi vi phạm về đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc.

1.4. Vi phạm khác tại Hội thi do Ban Tổ chức quyết định.

2. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

Khi phát hiện có hành vi vi phạm Thể lệ thi hoặc không đồng ý kết quả chấm thi, Đội thi có quyền khiếu nại (thông qua Đội trưởng). Việc khiếu nại được thực hiện bằng văn bản, gửi đến Ban Tổ chức Hội thi trước khi tiến hành trao giải thưởng. Ban Tổ chức Hội thi xem xét, giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Ban Tổ chức Hội thi là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành./.