Cập nhật: 21/07/2023 07:38:00
Xem cỡ chữ

Ung thư tuyến tiền liệt là một khối u ác tính phát triển trong tuyến tiền liệt. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm và có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây có thể coi là “cơn ác mộng” trong số các bệnh ung thư ở nam giới.

1. Không phải mọi phì đại tuyến tiền liệt đều là ung thư

Ung thư tuyến tiền liệt là do sự sinh sôi quá mức của các tế bào tuyến tiền liệt. Tuy nhiên không phải cứ sinh sôi quá mức tuyến tiền liệt là ung thư. Trong tuyến tiền liệt có thể xuất hiện đồng thời ung thư tuyến tiền liệt lẫn phì đại lành tính tuyến tiền liệt và đây là hai loại bệnh lý riêng biệt không như một số người lo ngại phì đại tuyến tiền liệt để lâu sẽ thành ung thư. Ung thư là tình trạng một nhóm tế bào sinh sản không kiểm soát gây ảnh hưởng đến hoạt động các tế bào xung quanh và lan tràn ra các cơ quan khác trong cơ thể (hiện tượng di căn).

2. Có những dạng ung thư diễn tiến thất thường

Khi mắc ung thư tuyến tiền liệt sẽ sống được bao lâu là một câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thật ra ung thư tuyến tiền liệt đa số tiến triển chậm và người bệnh có thể sống nhiều năm nhưng vì bệnh này có nhiều dạng diễn tiến thất thường nên muốn biết khả năng tiến triển của ung thư phải dựa vào nhiều yếu tố như: Giai đoạn tiến triển của bệnh, loại tế bào ung thư ác tính nhiều hay ít.

Bệnh rất phổ biến ở đàn ông da trắng, da đen; hiếm gặp hơn ở đàn ông châu Á. Thường gặp ở lứa tuổi trên 6, bệnh có tính chất gia đình. Là loại ung thư tiến triển chậm, nếu ở giai đoạn rất sớm và điều trị tốt, khả năng sống 5 năm sau điều trị đạt 98%.

5 điều cần biết về ung thư tuyến tiền liệt - Ảnh 1.

Ung thư tiền liệt tuyến thường gặp ở lứa tuổi trên 60.

3. Dấu hiệu nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu nào gợi ý rõ ràng. Tuy nhiên có thể ghi nhận một số dấu hiệu sau:

- Tiểu khó, tiểu lắt nhắt.

- Nước tiểu có máu nhưng thường lượng máu rất ít, mắt thường khó phát hiện được mà phải nhờ đến xét nghiệm (tiểu máu vi thế).

- Tuyến tiền liệt to hơn bình thường và có thể sờ thấy một nhân cứng. Để biết cần phải cho tay vào hậu môn khám.

- Khi bệnh tiến triển nặng có thể gặp các triệu chứng như: Rối loạn cương, bệnh nhân có thể không cương được hay không giữ được tình trạng cương đủ lâu; Phù hai bàn chân.

Tiểu không tự chủ hay bí tiểu; Đau nhức xương hay gãy xương khi gặp một chấn thương nhẹ...

Đến giai đoạn ung thư tiến triển, người bệnh có triệu chứng rối loạn đi tiểu. Giai đoạn muộn có triệu chứng đau xương, đau lưng, phù chân…

5 điều cần biết về ung thư tuyến tiền liệt - Ảnh 2.

Hình ảnh của các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt

4. Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt thế nào?

Các dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt không rõ ràng vậy làm thế nào để phát hiện sớm? Đây là câu hỏi được nhiều người nêu ra. Chẩn đoán xác định ung thư dựa vào kết quả sinh thiết tuyến tiền liệt. Chẩn đoán giai đoạn ung thư dựa vào kết quả chụp MRI vùng chậu, xạ hình xương và CT Scan phổi.

Để chẩn đoán bệnh này cần phải phải lưu ý:

- Khám tầm soát ung tuyến tiền liệt hàng năm ở nam giới trên 50 tuổi. Nếu gia đình có cha, anh ruột bị ung thư tuyến tiền liệt thì nên khám tuyến tiền liệt thường niên từ tuổi 40.

- Thăm khám hậu môn trực tràng: Phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ của ung thư tuyến tiền liệt.

‎- Siêu âm qua ổ bụng hoặc qua đầu dò trực tràng và sinh thiết nếu có nghi ngờ tổn thương

‎‎- Xét nghiệm máu: Định lượng PSA (prostate specific antige - kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt), kết quả PSA càng cao càng nghi ngờ ung thư tuyến tiền liệt.PSA là chất chỉ điểm ung thư tuyến tiền liệt đặc hiệu. Nếu PSA nhỏ hơn 4ng/ml, khả năng mắc ung thư tiền liệt tuyến là 15%. Nếu PSA từ 4 đến 10, khả năng bị bệnh là 25%. Còn PSA cao hơn 10, nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến lên đến 67%

‎‎- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) xác định mức độ xâm lấn của ung thư.

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh có tiên lượng tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm. Chính vì thế, người bệnh cần đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để được điều trị kịp thời, hiệu quả.

5. Điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Chiến lược điều trị ung thư tuyến tiền liệt căn cứ vào nhiều yếu tố: dự kiến tuổi thọ (life expectancy) của người bệnh, nồng độ PSA, giai đoạn bệnh, điểm Gleason. Cụ thể, việc lựa chọn phương pháp nào để điều trị còn tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư, lứa tuổi, sức khỏe chung, đời sống tình dục, điều kiện kinh tế, tính chất công việc và hoạt động xã hội…. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt bao gồm: Theo dõi tích cực, phẫu thuật, điều trị nội tiết, xạ trị, hóa chất, miễn dịch. 

Theo Thiên Châu/suckhoedoisong.vn - 19/07/2023

 https://suckhoedoisong.vn/5-dieu-can-biet-ve-ung-thu-tuyen-tien-liet-169230717155544873.htm