Cập nhật: 24/07/2023 11:16:00
Xem cỡ chữ

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu xử lý nghiêm các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức chuẩn bị nguồn hoặc đưa lao động đi làm việc tại Hy Lạp khi chưa được cơ quan Nhà nước chấp thuận.

Canh bao lua dao trong tuyen dung lao dong sang lam viec tai Hy Lap hinh anh 1

Người lao động cần tìm kiểu kỹ thông tin về thông báo tuyển dụng rất hấp dẫn về thị trường Hy Lạp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo thông báo mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào được chấp thuận chuẩn bị nguồn, đăng ký hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc ở Hy Lạp. Vì vậy, người lao động cần cảnh giác với các thông tin tuyển dụng, nếu cần được hỗ trợ thông tin về thị trường hoặc cung cấp thông tin về đối tượng trung gian, lừa đảo có thể liên hệ Cục Quản lý lao đông ngoài nước theo số điện thoại 024.38249517, số máy lẻ 508.

Các doanh nghiệp được chấp thuận chuẩn bị nguồn, đăng ký hợp đồng cung ứng lao động sẽ được thông tin trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước (http://www.dolab.gov.vn) để người lao động chủ động đăng ký tham gia, đảm bảo đúng doanh nghiệp, đúng địa chỉ tuyển chọn; chủ động phòng ngừa các đối tượng trung gian, môi giới bất hợp pháp.

Hy Lạp là thị trường mới, do đó Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường công tác quản lý nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại quốc gia này trong khi hai nước chưa ký kết thỏa thuận nhằm bảo đảm công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp tổ chức chuẩn bị nguồn hoặc đưa người lao động đi làm việc tại Hy Lạp khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Canh bao lua dao trong tuyen dung lao dong sang lam viec tai Hy Lap hinh anh 2

Người  lao động ếu cần được hỗ trợ thông tin về thị trường hoặc cung cấp thông tin về đối tượng trung gian, lừa đảo có thể liên hệ Cục Quản lý lao đông ngoài nước theo số điện thoại 024.38249517, số máy lẻ 508. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra xử lý tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài làm trung gian, môi giới, thông báo tạo nguồn hoặc lợi dụng hoạt động xuất khẩu lao động để lừa đảo, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở Hy Lạp.

Trước đó, trong các chuyến thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam và Hy Lạp của lãnh đạo cấp cao hai nước, phía Việt Nam đã trao đổi với Hy Lạp về việc hợp tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hy Lạp. Hy Lạp cũng đánh giá cao trình độ, kỹ năng nghề và ý thức tổ chức, kỷ luật của lao động Việt Nam và thống nhất hai bên sớm đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác lao động.

Để triển khai nội dung làm việc của lãnh đạo hai nhà nước, cơ quan chức năng hai bên đang tích cực thúc đẩy trao đổi, đàm phán để ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động.

Cộng hòa Hy Lạp thuộc khu vực Nam Âu, là thành viên thứ 10 của Liên minh châu Âu, có dân số khoảng 10,7 triệu người (2021), thu nhập bình quân đầu người khoảng 21.000 Euro (năm 2022).

Hy Lạp hiện đang thiếu hụt nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hiện quốc gia này mới chỉ tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài khối EU vào làm việc trong các ngành, nghề: Nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, xây dựng, may mặc, khách sạn, nhà hàng và giúp việc trong gia đình.

Ngoài ra, một số nước khu vực châu Á đã cung ứng lao động đến Hy Lạp làm việc là Bangladesh, Philippine, Trung Quốc. Gần đây Liên minh hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp đang xúc tiến tiếp nhận lao động Thái Lan sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Mức thu nhập của người lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại Hy Lạp khoảng 700-800 Euro/tháng (khoảng 18-20 triệu đồng/tháng) sau khi trừ các loại thuế.

Người lao động nước ngoài đến Hy Lạp làm việc theo diện Visa D (Visa dài hạn từ 3 tháng trở lên đến 12 tháng và có thể gia hạn tại chỗ không quá 5 năm).

Canh bao lua dao trong tuyen dung lao dong sang lam viec tai Hy Lap hinh anh 3

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hướng đến mở rộng các thị trường xuất khẩu lao động chất lượng cao, đòi hỏi tay nghề cao hơn để từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh việc tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hướng đến việc mở rộng các thị trường chất lượng cao, đòi hỏi tay nghề cao hơn để từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động, trong đó châu Âu là một thị trường tiền năng.

Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang thí điểm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở một số quốc gia phát triển. Nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Romani, Nam Phi, Canada… Đây đều là những thị trường có thu nhập cao và mang lại môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động./.

Theo Hồng Kiều (Vietnam+) – 24/7/2023

https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-lua-dao-trong-tuyen-dung-lao-dong-sang-lam-viec-tai-hy-lap/878900.vnp