Suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Các cựu chiến binh thắp hương tưởng nhớ các liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà GIang. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)
Những ngày này, toàn Ðảng, toàn dân tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ và tri ân các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do và sự thống nhất của Tổ quốc.
Quyết tử để tổ quốc quyết sinh
Nối tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc như Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa…, trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân ta đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt qua muôn vàn thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại.
Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên của độc lập, tự do. Đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là thắng lợi của các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, gìn giữ toàn vẹn non sông.
Và để có được những thắng lợi ấy, nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn, với ý chí kiên cường bất khuất, đã cống hiến to lớn về sức người, sức của, không tiếc máu xương và sinh mạng của mình. Vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, hàng triệu người trong đó phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình, anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ hoặc chưa xác định được danh tính.
Trong hàng triệu gia đình liệt sỹ, có những tấm gương đã trở thành biểu tượng của đức hy sinh, tiêu biểu như Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ - “người phụ nữ vĩ đại” đã 12 lần tiễn người thân lên đường và cả 12 người đều hy sinh cho đất nước; có những chàng trai tuổi chưa đầy đôi mươi, trẻ trung phơi phới, đã gửi lại nơi chiến trường bao ước mộng còn dở dang. Có những dòng nhật ký viết vội, những lá thư tình chưa kịp gửi trao, những dự định mãi không thể hoàn thành… Tất cả đã dệt nên một khúc tráng ca về ý chí, lòng quả cảm, về vẻ đẹp bất tử của con người Việt Nam Anh hùng.
Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do." Đối với "những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng."
Chính sách với người có công ngày càng hoàn thiện
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ vì “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ,” những vết thương chiến tranh vẫn hàng ngày đau nhức, những di chứng do chất độc da cam dày vò biết bao số phận, những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em mình, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình ở đâu…
Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, những người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ" đến nay, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Người về công tác thương binh, liệt sỹ đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và hiện tại được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, thực hiện thống nhất trong cả nước.
Qua đó góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế và xã hội, sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân và bản thân người có công với cách mạng, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cùng với Nhà nước chăm lo cho người có công với cách mạng, phát huy truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc trong thời kỳ mới.
Các chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước năm 1986 đến nay đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và ngày càng được mở rộng về đối tượng, bao phủ hầu hết các mặt của đời sống.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Tô Thị Sơn, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” năm 1994, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005; các Nghị định của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng...
Năm 2020, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 và số 04/2012/UBTVQH13, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 với nhiều điểm mới, hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng.
Theo Pháp lệnh, các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế…
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP; theo đó mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng tăng thêm 26,5% và được áp dụng từ ngày 1/7/2023.
Đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa
Hiện cả nước có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, chỉ tiêu mức sống của người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 98-98,6%.
Xác định công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, số xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ liên tục tăng dần từ là 96,6-99%.
Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàng Mai thăm hỏi, tặng quà thương bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)
Trong giai đoạn 2012-2022, Đảng, Nhà nước đã dành hơn 357.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ đối với người có công và thân nhân, gia đình người có công.
Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; làm tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời gần 3.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Công tác xác nhận người có công với cách mạng được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ; nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng được đẩy mạnh.
Các trung tâm giám định ADN được đầu tư nâng cấp nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ; Trung tâm lưu giữ nguồn gen đã được xây dựng để phục vụ cho công tác xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; điều tra, thu thập thông tin về liệt sỹ, hài cốt liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ còn thiếu thông tin, mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sỹ.
Hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sỹ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sỹ. Hằng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ, bia ghi danh liệt sỹ, đền thờ liệt sỹ, bảo đảm bền vững, trang trọng.
Phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 diễn ra tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế (ngày 22/7/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên đầy đủ và tốt đẹp hơn."
Có thể nói, các phong trào "đền ơn đáp nghĩa" đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam./.
Theo Minh Hiếu (TTXVN/Vietnam+) – 26/7/2023
https://www.vietnamplus.vn/dang-nha-nuoc-co-nhieu-chinh-sach-uu-dai-voi-nguoi-co-cong/878897.vnp