Trong ngày hè, huyết áp có xu hướng hạ thấp vào ban ngày song người bệnh không nên chủ quan mà lơ là việc theo dõi và điều trị.
Theo bác sĩ Văn Đức Hạnh – Viện Tim mạch Quốc gia, chúng ta thường nghĩ vào mùa hè, thời tiết nắng nóng làm cho huyết áp tăng cao. Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy, trong mùa hè, huyết áp có xu hướng hạ thấp vào ban ngày và tăng lên vào ban đêm. Nguyên nhân là khi trời nắng nóng, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, khối lượng tuần hoàn giảm đi, do đó chỉ số huyết áp hạ xuống. Tuy nhiên, điều này lại khiến người bệnh chủ quan dễ dẫn đến bỏ thuốc hoặc không uống thuốc đều đặn.
Bác sĩ Văn Đức Hạnh cảnh báo, nếu bệnh nhân tự ý dừng thuốc sẽ rất nguy hiểm. Bởi chỉ số huyết áp trở về bình thường là nhờ vào việc dùng thuốc đều đặn hàng ngày, khi ngưng thuốc dẫn đến huyết áp tăng cao đột ngột, người bệnh có nguy cơ bị đột quỵ, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, vào mùa hè, bệnh nhân vẫn cần theo dõi sát chỉ số huyết áp và không cần giảm lượng thuốc điều trị.
Bệnh nhân tăng huyết áp nên sử dụng thuốc đều đặn, thực hiện chế độ ăn uống hợp lý trong mùa hè
Cùng với việc sử dụng thuốc điều trị một cách thường xuyên, đều đặn, bác sĩ Văn Đức Hạnh khuyên bệnh nhân tăng huyết áp nên thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý trong mùa hè.
"Người bệnh nên chú ý ăn nhạt hơn, hạn chế sử dụng chất béo và các thực phẩm chiên rán và các thức ăn, bánh kẹo có vị ngọt, chứa nhiều đường. Bệnh nhân nên ăn nhiều rau xanh quả chín, tốt nhất ăn trên 5 loại rau quả mỗi ngày để cung cấp đủ vitamin và bổ sung các chất điện giải cho cơ thể. Đồng thời vẫn nên duy trì tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày", BS Văn Đức Hạnh hướng dẫn.
Việc uống đủ nước cũng rất quan trọng đối với bệnh nhân tăng huyết áp. Nhất là khi lao động ngoài trời hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, cơ thể mất nhiều nước do ra mồ hôi khiến máu cô đặc lại, thể tích tuần hoàn giảm xuống, nhịp tim tăng lên. Khi đó người bệnh có thể thấy tình trạng tăng huyết áp xuất hiện với các biểu hiện khó chịu, chóng mặt, nhức đầu. Nếu huyết áp không kiểm soát tốt và điều trị kịp thời dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch như đau tim, nhồi máu cơ tim.
Trong mùa hè nắng nóng, nhiều gia đình thường sử dụng điều hòa nhiệt độ. BS Văn Đức Hạnh khuyến cáo, khi chúng ta di chuyển đột ngột từ ngoài trời nắng nóng vào phòng lạnh dễ dẫn đến hiện tượng co mạch gây tăng huyết áp và đột quỵ. Do đó, bệnh nhân tăng huyết áp nên chú ý phòng ngừa nguy cơ này. “Khi đi từ ngoài trời nóng vào phòng lạnh, chúng ta không nên vào phòng ngay mà nên có thời gian thích nghi dần dần và không nên để nhiệt độ phòng lạnh quá. Mức nhiệt độ phòng phù hợp là từ 24 - 26 độ C”, BS Văn Đức Hạnh nói.
Cũng theo BS Văn Đức Hạnh, trong mùa hè, nếu phải làm việc ngoài trời, người mắc bệnh tăng huyết áp nên mặc quần áo dày, đội mũ nón để che chắn cơ thể, không nên làm việc vào những khung giờ nắng nóng gay gắt tránh nguy cơ sốc nhiệt, dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Ánh Tuyết/VOV2 – 27/7/2023
https://vov.vn/suc-khoe/vi-sao-huyet-ap-co-xu-huong-ha-thap-trong-ngay-he-post1035384.vov