Từ nay đến hết năm 2023 dự báo có khoảng 3-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam; thời gian ảnh hưởng tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tập trung chủ yếu từ nay đến tháng Chín.
Các địa phương và người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Ngày 28/7, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về diễn biến mưa bão thời gian tới, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - ông Hoàng Phúc Lâm cho biết dự báo từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam (đã bao gồm cả cơn bão số 1).
Thời gian bão/áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến đất liền nước ta xảy ra chủ yếu tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tập trung vào khoảng thời gian từ nay đến tháng Chín; từ tháng 10-12/2023 tại khu vực từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía Nam.
“Xu thế biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết sẽ ngày càng cực đoan và có biến động không ngừng. Do đó các địa phương và người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ,” ông Lâm nhấn mạnh.
Về xu thế mưa, theo nhận định của rung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, trong điều kiện El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa trong hầu hết các vùng trong cả nước, phổ biến từ 25 đến 50% (rõ rệt nhất là Bắc Trung Bộ).
Tuy vậy, cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng đặc biệt lưu ý một số đợt El Nino đã cho những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ và số tháng liên tục hụt mưa ở một số nơi cho thấy El Nino làm tăng tính biến động của mưa ở Việt Nam.
Điển hình như năm 2015 xảy ra El Nino nhưng tại tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng Bảy.
Hay năm El Nino 2002, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên các khu vực như: Lũ lớn trên báo động 3 vào tháng Bảy đầu tháng Tám trên sông Hồng thái bình; lũ lớn trung bộ cuối tháng Chín trong đó có xuất hiện lũ lịch sử xuất hiện thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh); Nam Bộ đã xuất hiện lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tương tự, năm 2009, cơn bão số 9 (Ketsana) đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi cũng gây ra đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng Chín. Đỉnh lũ trong năm này tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên đều vượt báo động 3; ngập lụt ngiêm trọng từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Kon Tum.
Trước diễn biễn phức tạp của mùa mưa bão, giới chuyên gia của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo người dân và các cấp chính quyền cần chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường và các hoạt động kinh tế xã hội.
Theo đó, người dân cũng như các cấp chính quyền cần chủ động thường xuyên cập nhật các bản tin cảnh báo, dự báo các loại hình thiên tai nguy hiểm được phát rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như trang web, Zalo, Facebook chính thức của trung tâm để kịp thời có những phương án chỉ đạo và phòng tránh.
Ngoài ra, do có thể gây thiếu hụt lượng mưa trong các tháng cuối năm 2023 và ít mưa trong những tháng đầu năm 2024, nên các cấp chính quyền và người dân cần có những biện pháp sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả./.
Theo Hùng Võ (Vietnam+) - 28/7/2023
https://www.vietnamplus.vn/bien-dong-co-kha-nang-xuat-hien-tu-911-con-bao-hoac-ap-thap-nhiet-doi/885802.vnp