Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận có gần 200.000 ca mắc ung thư mới, số ca tử vong lên đến 82.000 trường hợp, tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là 73,5%, trong khi của thế giới 59,7%, các quốc gia đang phát triển 67.9%. Như vậy, tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư tại Việt Nam ở mức cao, thuộc top đầu thế giới
Đó là những cập nhất mới nhất của các chuyên gia tại Hội thảo quốc tế “Quản lý ung thư trong thời đại mới: Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam và trên thế giới” diễn ra hôm nay (29/7) ở Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.
Hội thảo quốc tế “Quản lý ung thư trong thời đại mới: Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam và trên thế giới” có 4 phiên, với 25 bài báo cáo đến từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.
TS. Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, xu hướng mắc bệnh ung thư đang tăng lên hàng năm, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn phát hiện ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội thảo, với 25 bài báo cáo, các chuyên gia đầu ngành trong nước và các nhà khoa học đến từ Italia, Japan, Hoa Kỳ, Lebanon,… đã cập nhật kiến thức mới về những bước tiến trong chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới cũng như Việt Nam như: Phẫu thuật cắt thực quản trong điều trị ung thư thực quản; Những tiến bộ trong điều trị Ung thư dạ dày tại Việt Nam; Điều trị đa mô thức ung thư đại trực tràng; Chẩn đoán sinh học phân tử và xạ phẫu di căn hạn chế trong điều trị ung thư phổi tại Việt Nam; Phẫu thuật nội soi có hỗ trợ Robot điều trị bướu thận có chồi tĩnh mạch chủ bụng; Phẫu thuật nội soi cắt bướu bảo tồn thận điều trị bướu thận…
PGS.TS.BS Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ, theo số liệu từ Hội nghị ung thư quốc tế về phòng chống ung thư năm 2022 tại Hà Nội, tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam cao thứ 2 thế giới. Những tham luận và ý kiến tại hội thảo quốc tế lần này phần nào sẽ giúp ngành y Việt Nam thống nhất, đề ra tiếng nói chung trong việc quản lý bệnh lý, tiếp cận bệnh lý ung thư trong thời đại mới, nhất là tiếp cận những kỹ thuật mới nhất trong xạ trị điều trị ung thư; Điều trị bằng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và quản lý các tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch; Ghép gan trong ung thư gan…
PGS.TS.BS Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ thông tin tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam cao thứ 2 thế giới theo số liệu ghi nhận từ Hội nghị ung thư quốc tế về phòng chống ung thư năm 2022 tại Hà Nội.
"Bệnh ung thư có thể được giảm thiểu và kiểm soát qua việc áp dụng các chiến lược phòng ngừa, phát hiện điều trị sớm ung thư. Nhiều bệnh ung thu có cơ hội chữa lành cao nếu chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Bệnh viện ĐH Nam Cần Thơ đã tiến hành thành lập Khoa Ung bướu và giao trách nhiệm cho Khoa Ung bướu phải trở thành một trong những lĩnh vực mũi nhọn triển khai áp dụng các công nghệ kỹ thuật cao trong khám, chữa bệng. Đồng thời là nơi đào tạo, nghiên cứu khoa học, giảng dạy thực hành cho sinh viên y khoa"-PGS.TS.BS Đàm Văn Cương nói.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển. Tính riêng tại Việt Nam có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư./.
Theo Hồng Phương/VOV-ĐBSCL - 29/7/2023
https://vov.vn/xa-hoi/ty-le-tu-vong-do-ung-thu-tai-viet-nam-trong-top-dau-the-gioi-post1035903.vov