Cập nhật: 31/07/2023 13:32:00
Xem cỡ chữ

Cơ quan Công an đề nghị người dân tuyệt đối không tải hoặc cài đặt ứng dụng của cơ quan Thuế qua các đường dẫn không chính thống; cảnh giác cao độ với các cuộc điện thoại mời làm cộng tác viên online.

Canh bao lua dao lam cong tac vien online va gia danh can bo thue hinh anh 1

Lực lượng Công an làm việc với một nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. (Nguồn: Bộ Công an)

Theo Công an thành phố Hà Nội, mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn mất hàng trăm triệu đồng bởi thủ đoạn lừa đảo làm cộng tác viên online và giả danh cán bộ thuế.

Hầu hết những người bị "sập bẫy" đều nhẹ dạ, cả tin và thiếu nắm bắt thông tin.

Ngày 25/7 vừa qua, Công an phường Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của chị V (sinh năm 1973, hộ khẩu thường trú tại quận Long Biên) về việc bị một đối tượng giả danh là cán bộ Chi cục Thuế gọi điện.

Đối tượng gửi một đường link và hướng dẫn chị V truy cập để cài đặt phần mềm nộp thuế. Sau khi truy cập vào đường link để cài đặt phần mềm, chị V phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất hơn 400 triệu đồng.

Lúc này, chị mới biết mình bị lừa đảo và đến cơ quan Công an trình báo.

Trước thủ đoạn lừa đảo trên, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân tuyệt đối không tải hoặc cài đặt ứng dụng của cơ quan Thuế qua các đường dẫn hoặc các hướng dẫn không chính thống, không phải do Tổng cục Thuế cung cấp.

Người dùng không cho phép bất kỳ cá nhân nào truy cập trực tiếp vào máy tính, điện thoại của mình để hỗ trợ cài đặt, sử dụng phần mềm của cơ quan Thuế.

Người dùng cài đặt phần mềm giả mạo có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.

Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động, máy tính của người dùng từ xa để thực hiện: soạn, gửi tin nhắn SMS; mở khóa thiết bị di động; bật tắt mạng Internet, truy cập wifi; đọc, ghi danh bạ; đọc, ghi lịch sử cuộc gọi, thực hiện cuộc gọi, tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.

Đặc biệt, với các tin nhắn xác thực mã OTP, việc truy cập, chuyển tiền đều bị phần mềm gián điệp ẩn (không hỗ trợ cho người dùng) và chuyển cho các đối tượng lừa đảo mà chủ điện thoại không hề hay biết.

Trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài thủ đoạn lừa đảo nêu trên, theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, thời gian gần đây có những cuộc gọi đến doanh nghiệp từ các số điện thoại: 0906.237.207, 0904.947.468, 0962.170.568, 0971.353.069, 0911.698.356, 0946.100.620, 0966.217.199, 0394.714.349, 0964.364.282... xưng danh là cán bộ, công chức của Cục Thuế thành phố Hà Nội để mời chào doanh nghiệp mua sách, tài liệu, ký hợp đồng tài trợ cho hoạt động in, xuất bản sách hoặc ấn phẩm vinh danh doanh nghiệp, cẩm nang về thuế, lập quỹ hỗ trợ của ngành Thuế…

Cục Thuế thành phố Hà Nội khẳng định cơ quan Thuế không có chủ trương, không cử cán bộ gọi điện thoại, fax hay mang sách đến bán cho người nộp thuế. Tất cả văn bản, tài liệu được cơ quan Thuế cấp miễn phí và đăng tải đầy đủ trên website của cơ quan thuế tại địa chỉ: http://hanoi.gdt.gov.vn.

Các chương trình tập huấn của cơ quan Thuế tổ chức đều miễn phí và sẽ gửi giấy mời tới người nộp thuế.

Người dân cũng cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo làm cộng tác viên online.

Ngày 20/7, chị L (sinh năm 1999, hộ khẩu thường trú tại quận Hoàng Mai) đã đến Công an phường Phương Mai (Đống Đa) trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chị L cho biết có nhận được lời mời làm cộng tác viên làm nhiệm vụ sẽ được hưởng tiền hoa hồng cho sàn thương mại điện tử Lazada. Khi đặt lệnh làm nhiệm vụ tăng tương tác cho sàn, chị T sẽ được hưởng hoa hồng.

Trong hai ngày 8-9/7, chị L đã chuyển khoảng 150 triệu đồng để làm nhiệm vụ cho các đối tượng. Sau đó, chị L mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa, đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Trường hợp phát hiện bị lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các vụ việc lừa đảo đang được cơ quan Công an khẩn trương điều tra, làm rõ./.

Theo Nguyễn Thắng (TTXVN/Vietnam+) – 31/7/2023

https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-lua-dao-lam-cong-tac-vien-online-va-gia-danh-can-bo-thue/886324.vnp