Đội phụ trách tàu thăm dò Voyager tại trụ sở Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dường như đã phát hiện ra tín hiệu từ tàu Voyager-2 sau khi mất liên lạc với con tàu.
Tàu thăm dò Voyager-2 của NASA làm nhiệm vụ thu thập dữ liệu có giá trị khi khám phá lãnh thổ giữa các vì sao. Ảnh: CNN
Theo đài truyền hình CNN, Suzanne Dodd - Giám đốc dự án của Voyager tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Pasadena, bang California (Mỹ) - ngày 1/8 cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của Mạng không gian sâu và các nhóm Khoa học vô tuyến, chúng tôi đã thành công nghe thấy tín hiệu ‘nhịp tim’ từ tàu thăm dò. Vì vậy, chúng tôi biết tàu thăm dò vẫn đang hoạt động. Điều này khích lệ tinh thần của chúng tôi”.
Ngày 21/7, sau khi nhận được mệnh lệnh từ Trái Đất gửi lên, ăng-ten của tàu thăm dò lệch hướng 2 độ so với Trái Đất. Sự thay đổi rất nhỏ này đồng nghĩa với việc tàu thăm dò Voyager-2 không thể nhận bất kỳ lệnh nào từ nhóm điều khiển hoặc gửi dữ liệu trở lại Trái Đất từ vị trí cách xa 19,9 tỷ km.
Bằng cách sử dụng Mạng không gian sâu, một dãy ăng-ten vô tuyến khổng lồ quốc tế, đội phụ trách đã rất ngạc nhiên khi có thể phát hiện ra “tín hiệu sóng mang” của tàu thăm dò. Dãy ăng-ten Mạng không gian sâu được đặt tại 3 địa điểm khác nhau trên Trái Đất nhằm mục đích khi Trái Đất quay, các ăng-ten này có thể liên lạc được với các tàu thăm dò ở vị trí khác nhau. Một ăng-ten vô tuyến được đặt tại Goldstone gần Barstow, California, chiếc thứ hai gần Madrid (Tây Ban Nha) và chiếc thứ ba gần Canberra (Australia).
Nhiệm vụ hiện giờ của đội phụ trách là sẽ cố gắng gửi tín hiệu trở lại tàu thăm dò. Giám đốc Dodd cho biết: “Chúng tôi hiện đang tạo ra một lệnh mới để cố gắng hướng ăng-ten của tàu thăm dò về phía Trái Đất. Tuy nhiên, xác suất cũng khá thấp”.
Theo NASA, tín hiệu được gửi qua hệ thống ăng-ten Mạng không gian sâu, cố gắng truyền tải để thu hút sự chú ý của Voyager-2 mặc dù thực tế ăng-ten của tàu thăm dò này không được định hướng để nhận tín hiệu vô tuyến.
Với khoảng cách giữa Voyager-2 và Trái Đất, phải mất khoảng 18,5 giờ để tín hiệu truyền một chiều qua hệ Mặt trời đến tàu thăm dò.
Nếu các tín hiệu trên Trái Đất không đến được Voyager-2, tàu thăm dò được lập trình để tự định hướng lại, giữ cho ăng-ten hướng về Trái Đất. Tuy nhiên, quá trình này thường vài năm mới diễn ra một lần. Lần thiết lập lại tiếp theo đã được lên lịch vào ngày 15/10 và nhóm hy vọng rằng chương trình này sẽ cho phép khôi phục liên lạc với Voyager-2.
“Nhưng vẫn phải chờ đợi trong khoảng thời gian dài. Vì vậy, chúng tôi sẽ thử gửi lệnh nhiều lần nhất có thể”, bà Dodd bày tỏ.
Đây không phải là lần đầu tiên cặp tàu thăm dò Voyager được phóng vào năm 1977 gặp sự cố. Khi những “công dân cấp cao” này tiếp tục khám phá vũ trụ, nhóm chỉ huy đã dần tắt các công cụ để bảo tồn năng lượng và kéo dài nhiệm vụ của các tàu. Trong quá trình thực hiện, cả Voyager-1 và 2 đều gặp phải sự cố không mong muốn và ngừng hoạt động, bao gồm khoảng thời gian 7 tháng không liên lạc được trong năm 2020 giữa Voyager-2 và Mạng không gian sâu.
NASA hy vọng Voyager-2 sẽ vẫn đi theo quỹ đạo đã định, ngay cả khi không nhận được mệnh lệnh. Trong khi đó, Voyager-1, cách Trái đất gần 24 tỷ km, vẫn tiếp tục hoạt động như dự kiến và duy trì liên lạc với Mạng không gian sâu.
Cặp tàu Voyager là tàu thăm dò duy nhất hoạt động ngoài nhật quyển, vượt ra ngoài quỹ đạo của Sao Diêm Vương, thu thập dữ liệu có giá trị khi khám phá lãnh thổ giữa các vì sao.
Theo Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN) - 02/08/2023
https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/nasa-nghe-thay-nhip-dap-cuatau-tham-do-voyager2-bi-mat-lien-lac-20230802095257631.htm