Cập nhật: 02/08/2023 16:30:00
Xem cỡ chữ

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 20/7/2023 Giám sát chuyên đề công tác quản lý nhà nước về đầu tư, phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh.

Điều 1. Tán thành nội dung Báo cáo số 93/BC-ĐGS ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về đầu tư, phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh

Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, triển khai, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đầu tư, phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn. 

Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, góp phần đưa hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc từng bước được khẳng định với số tăng trưởng bình quân về khách du lịch trên 20%/năm, những danh hiệu ấn tượng như: “Tam Đảo - thị trấn điểm đến du lịch hàng đầu thế giới năm 2022”, Flamingo Đại Lải - Nhãn hiệu du lịch xanh Châu Á năm 2020, Tây Thiên - điểm đến của văn hóa tâm linh đã trở thành biểu tượng khi nhắc đến Vĩnh Phúc. Một số sản phẩm du lịch mới như du lịch văn hóa, du lịch thể thao golf đã để lại dấu ấn đối với du khách. Đặc biệt, tỉnh đã có tên trên bản đồ di sản văn hóa phi vật thể thế giới, được UNESCO vinh danh ca trù và kéo Song. Hệ thống các di tích được quan tâm đầu tư, một số các di tích lớn là điểm đến trong hành trình các tour du lịch.

Bên cạnh những kết quả đạt đã đạt được, công tác quản lý, đầu tư, phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế: Đề án về phát triển du lịch giai đoạn mới chưa được thông qua, chưa có những giải pháp đồng bộ, đột phá kết hợp giữa du lịch và các ngành nghề khác để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp du lịch lớn vào đầu tư; chưa xây dựng được bản đồ số du lịch tỉnh Vĩnh Phúc và ít tuyến du lịch mới được khai thác và mở thêm; tỷ trọng kinh tế du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh còn thấp; còn thiếu các cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích và tạo động lực phát triển du lịch. Do vậy, năng lực cạnh tranh trong hoạt động du lịch chưa cao; phát triển du lịch còn thiếu sự bền vững. Quy hoạch di tích chưa được tích hợp được vào quy hoạch chung của tỉnh; tiến độ công tác lập quy hoạch, thực hiện quy hoạch trùng tu, bảo tồn các di tích chậm; việc tu bổ, tôn tạo di tích theo Nghị quyết số 71/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh hiệu quả chưa cao; tình trạng di tích xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cá biệt có một số di tích đã sụp đổ vẫn chưa được tu bổ, tôn tạo; đặc biệt có một số di tích có kiến trúc cổ đang cần tu bổ, tôn tạo gấp nếu không sẽ có nguy cơ đổ sập, mất an toàn cho người dân và các hiện vật trong di tích; nhiều địa phương cấp huyện và cấp xã không bố trí được ngân sách để hỗ trợ và không huy động được nguồn xã hội hóa.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh đồng ý với giải pháp Đoàn giám sát đưa ra, để khắc phục những hạn chế, bất cập về phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh giao ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh. 

- Triển khai và thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước về Luật Du lịch, Luật Di sản, các văn bản của trung ương, các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Lãnh đạo triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đầu tư, phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện công tác quy hoạch, tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh và thực hiện hiệu quả quy hoạch trong du lịch và di tích. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các đề án của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển du lịch, dịch vụ.

- Thực hiện các giải pháp khai thác lợi thế về du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng theo Đề án làng văn hóa kiểu mẫu; quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến về du lịch.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát các chính sách về phát triển du lịch và quản lý di tích đã ban hành, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành những chính sách mới cho phù hợp:

+ Đối với lĩnh vực du lịch: Căn cứ Nghị quyết 08 của Bộ chính trị, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh, xây dựng cơ chế chính sách về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung và chính sách hỗ trợ cho huyện Tam Đảo, thị trấn Tam Đảo nói riêng nhằm đảm bảo các tiêu chí về phát triển khu du lịch. Chỉ đạo các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt các giải pháp về quy hoạch, đề án.

+ Đối với lĩnh vực quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh: Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, rà soát, thẩm định, kiểm kê, đánh giá thực trạng, phân loại di tích xuống cấp đề xuất thứ tự ưu tiên trùng tu, tu bổ cho phù hợp.

2. Đối với các Sở, ngành.

2.1. Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch:

- Triển khai và thực hiện có hiệu quả các quy định của Nhà nước về Luật Du lịch, Luật Di sản, các văn bản của trung ương, các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và hướng dẫn các cơ quan đơn vị, Ủy ban nhân dân các cấp triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đầu tư, phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đối số trong lĩnh vực du lịch từ tỉnh đến cơ sở.

- Làm tốt công tác quản lý nhà nước về phát triển du lịch gắn với các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, khai thác lợi thế về du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng theo đề án làng văn hóa kiểu mẫu; quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến về du lịch.

- Tập trung rà soát các chính sách về phát triển du lịch và quản lý di tích đã ban hành, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành những chính sách mới cho phù hợp.

- Thực hiện tốt việc quản lý bảo vệ cổ vật, di tích, văn hóa vật thể, phi vật thể, gắn với bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị di sản, văn hóa gắn với xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ tiện ích tại các điểm du lịch, di tích; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ công chức, viên chức làm công tác quản lý du lịch và di tích, đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên....

- Tham mưu xây dựng cơ chế chính sách về đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo theo nhiệm vụ tại Quyết định số 1508/QĐ-UBND ngày 09/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng 2030.

- Thường xuyên thanh tra kiểm tra về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội; ô nhiễm môi trường; an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, để các khu, điểm du lịch luôn là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn du khách.

- Sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực ngành quản lý theo định kỳ hàng năm, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết hết hiệu lực, qua đó đánh giá kết quả thực hiện, hiệu quả chính sách, kịp thời phát hiện những vướng mắc bất cập, đưa ra các giải pháp biện pháp, đề xuất phù hợp sát thực, hiệu quả.

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư du lịch, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp đâu tư du lịch trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các sở ngành xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ trên địa bàn theo quy định.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xử lý các dự án du lịch sử dụng đất chậm triển khai.

2.3. Sở Tài chính:

- Bố trí đủ nguồn vốn theo các nội dung trong kế hoạch đề ra hàng năm đối với các khu du lịch trọng điểm đã được ưu tiên cấp vốn ngân sách; dự án phát triển du lịch cộng đồng; dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch, trùng tu di tích, phục dựng lễ hội,...

- Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế ưu tiên, bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp thẩm định, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí dự án trọng điểm phát triển du lịch.

2.4. Sở Giao thông - Vận tải: Nghiên cứu, tham mưu quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe tĩnh tại các khu, điểm du lịch; kế hoạch, định hướng phát triển giao thông vận tải phục vụ du lịch; các tuyến xe buýt đến các khu, điểm du lịch; kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải phục vụ phát triển du lịch.

2.5. Sở Công thương: Nghiên cứu, đề xuất xây dựng triển khai tốt các dự án trong quy hoạch đã được phê duyệt như: Dự án trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, các dự án thủ công nghiệp, làng nghề; xây dựng và triển khai thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại các làng nghề gắn với phát triển du lịch....

2.6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh gắn với Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021- 2025.

2.7. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các cơ sở giáo dục, đào tạo khác trên địa bàn tỉnh: Mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh, từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo tại các cơ sở có đào tạo các ngành về du lịch. Các chương trình đào tạo mở ra đa dạng, như đào tạo ngắn hạn, dài hạn về chuyên ngành du lịch (quản lý cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp...); phù hợp với điều kiện, khả năng của doanh nghiệp và yêu cầu thực tế của xã hội.

2.8. Sở Tài nguyên và Môi trường: Rà soát diện tích đất tại các khu du lịch, di tích để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các di sản đủ điều kiện cấp giấy.

2.9. Các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ an ninh, an toàn cho du khách; bảo vệ môi trường du lịch tại địa phương, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch; thẩm định và kiểm tra thiết kế cơ sở, dự án đầu tư xây dựng liên quan đến du lịch; hướng dẫn các sở, ngành, địa phương ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong hoạt động kinh doanh du lịch.

3. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt quản lý nhà nước về phát triển du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Đối với một số huyện đã xây dựng đề án, nghị quyết về phát triển du lịch tập trung các giải pháp để thực hiện có hiệu quả đề án, nghị quyết.

- Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác đầu tư, phát triển du lịch; quản lý di tích, cổ vật, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; hàng năm bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa, huy động các nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm cho việc sửa chữa, trùng tu, tôn tạo di tích.

- Thanh tra, kiểm tra việc các dự án, điểm du lịch và bảo tồn, sửa chữa, trùng tu các di tích, việc quản lý và sử dụng kinh phí trong tu bổ, chế độ hỗ trợ theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, phát hiện xử lý theo thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

- Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với các phòng, ban tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo tồn, tu bổ di tích và hướng dẫn người trụ trì tại các di tích trong việc chấp hành các quy định của nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Kịp thời hướng dẫn các xã, phường, thị trấn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, bảo tồn, chống xuống cấp di tích, thủ tục xin cấp phép sửa chữa, trùng tu cũng như kinh phí hỗ trợ trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

- Hàng năm rà soát thực trạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn để báo cáo, kịp thời đề xuất phương án tu bổ, chống xuống cấp, không để tình trạng di tích bị sập, xuống cấp 100%.

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý và báo cáo kịp thời những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong công tác quản lý du lịch, tu bổ, bảo quản di tích.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Khoá XVII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 12/7/2023 và có hiệu lực từ ngày ký.