Cập nhật: 14/08/2023 07:41:00
Xem cỡ chữ

Xây dựng thế trận lòng dân trên biển là một chủ trương nhất quán, đúng đắn, sáng tạo và nó cũng xuất phát từ quan điểm, đường lối của Đảng ta.

Không chỉ là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhiều năm qua, Quân chủng Hải quân còn thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ ngư dân làm ăn sinh sống trên biển; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân-dân và củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” trên biển.

hai quan xay dung the tran long dan vung chac tren bien hinh anh 1

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân

PV: Thưa Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển là nền tảng rất quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Xây dựng thế trận lòng dân trên biển là một trong những nội dung hết sức quan trọng. Đây cũng là một nội hàm rất khó bởi xây dựng thế trận lòng dân ngay trên đất liền đã khó, trên biển còn khó hơn rất nhiều. Xây dựng thế trận lòng dân trên biển là một chủ trương nhất quán, đúng đắn, sáng tạo và nó cũng xuất phát từ quan điểm, đường lối của Đảng ta. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân.

Là một quốc gia ven biển, Việt Nam có vùng biển rộng trên 1 triệu km2, bờ biển dài hơn 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam với gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó có 2 quần đảo xa bờ là Trường Sa và Hoàng Sa. Cùng với đó, số lượng tàu cá khai thác thủy, hải sản trên biển của nước ta hiện nay có gần 100.000 chiếc. Nếu bình quân mỗi tàu có 15-20 ngư dân dân thì chúng ta cũng có trên 2.000.000 người thường xuyên khai thác hải sản trên biển. Với một vùng biển rộng lớn như vậy, mà Hải quân là lực lượng nòng cốt mà không dựa vào vào nhân dân nói chung và ngư dân nói riêng thì Hải quân cũng như các lực lượng khác nói chung khó quản lý. Cho nên, chủ trương về đường lối chiến tranh nhân dân thì phải xây dựng thế trận lòng dân làm nền tảng để xây dựng chiến tranh nhân dân trên biển.

Với tư tưởng lấy dân làm gốc, đoàn kết gắn bó với nhân dân đã trở thành ngọn cờ đại nghĩa tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chúng ta có những bài học rất quý báu trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong các cuộc kháng chiến, giải phóng đất nước của chúng ta. Đó là huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, đó là chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường của quân và dân miền Bắc v.v…Từ những chiến công đó, Hải quân cũng đã rút ra những bài học quý giá là phải xây dựng thế trận lòng dân, làm nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân trên biển.

Có thể thấy, xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển chính là nền tảng, là “lá chắn thép”, “bức thành đồng” để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển.

Xây dựng thế trận lòng dân trên biển là một trong những nội dung hết sức quan trọng. Đây cũng là một nội hàm rất khó bởi xây dựng thế trận lòng dân ngay trên đất liền đã khó, trên biển còn khó hơn rất nhiều. Xây dựng thế trận lòng dân trên biển là một chủ trương nhất quán, đúng đắn, sáng tạo và nó cũng xuất phát từ quan điểm, đường lối của Đảng ta. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân.

hai quan xay dung the tran long dan vung chac tren bien hinh anh 2

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân cứu kéo tàu cá Kiên Giang ra khỏi nơi mắc cạn

PV: Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyển biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, hơn 68 năm qua, cùng với việc xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, Hải quân nhân dân Việt Nam (HQNDVN) đã quan tâm xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, những năm qua, Quân chủng Hải quân đã có nhiều cố gắng lớn trong quan tâm, chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả (như đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo trên phạm vi cả nước; làm tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ ngư dân; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh).

Đặc biệt, từ năm 2019, Quân chủng Hải quân đã và đang triển khai rất hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và năm 2022 Quân chủng tiếp tục triển khai hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”. Thông qua những việc làm cụ thể đó đã góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân-dân và củng cố “thế trận lòng dân” trên biển ngày càng vững chắc.

hai quan xay dung the tran long dan vung chac tren bien hinh anh 3

CBCS Hải đoàn 129 tiếp cận tuyên truyền Chỉ thị 45, tặng cờ và tủ thuốc cho tàu cá ngư dân

PV: Thưa Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển" được thực hiện trong 4 năm qua. Xin đồng chí cho biết hiệu quả của chương trình này?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển xuất phát từ thực tiễn về tình hình trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như hoạt động kinh tế biển. Đây cũng là một sáng tạo của Quân chủng Hải quân.

Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển thì nội hàm của nó gồm 4 nội dung cốt lõi: (1) Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho ngư dân; (2) Hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân; (3) Bảo vệ ngư dân; (4) Phát huy vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho ngư dân nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung về tình hình biển, đảo Việt Nam; quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong quản lý, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giải quyết bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); các Hiệp định phân định trên biển mà Việt Nam đã ký với các nước trong khu vực; những chứng cứ lịch sử, pháp lý, thực tiễn khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Để góp phần gỡ thẻ vàng của EU đối với khai thác hải sản của Việt Nam, Hải quân đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân về Luật Biển Việt Nam năm 2012; Luật Thủy sản năm 2017; Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”, v.v. Qua đó, giúp ngư dân thực hiện khai thác thủy, hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật trên các vùng biển của nước ta, không vi phạm các vùng biển của nước ngoài. Chính vì được nâng cao nhận thức, hiểu biết rõ pháp luật, ngư dân sẽ không vi phạm vào vùng biển nước ngoài. Đồng thời, các tuyên truyền viên của Hải quân thông báo vị trí các âu tàu, làng chài, Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật trên biển của Hải quân; hướng dẫn liên lạc qua các đài canh của Hải quân Việt Nam để ngư dân liên hệ khi cần sự giúp đỡ; hướng dẫn xử trí một số tình huống sơ cứu, cấp cứu khi bị nạn.

Thứ hai, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Hiện nay Quân chủng Hải quân quản lý 21 đảo và 33 điểm đóng quân ở Quần đảo Trường Sa. Ngư trường Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân. Với các đảo, điểm đóng quân của ta thì đây chính là những ngôi nhà để cho ngư dân vươn khơi bám biển, yên tâm đánh bắt thủy, hải sản. Khi thời tiết, khí hậu không thuận lợi, có giông bão bất thường thì các đảo ở Quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc là những nơi để cho ngư dân vào tránh trú bão. Tại đây, ngư dân được giúp đỡ về lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nhu yếu phẩm; được sửa chữa tàu thuyền, được chăm sóc y tế, được tìm hiểu, nắm bắt thêm các kiến thức pháp luật cũng như kinh nghiệm đánh bắt thủy, hải sản. Với xăng dầu, bà con được cung cấp với giá bằng trong đất liền. (Các đơn vị trong Quân chủng Hải quân đã hỗ trợ ngư dân trên 35.000m3 nước ngọt; 320 tấn lương thực thực phẩm; hàng ngàn lá cờ Tổ quốc, phao cứu sinh và nhu yếu phẩm các loại; tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho khoảng 15.000 lượt ngư dân... với tổng giá trị trên 15 tỷ đồng).

Thứ ba, bảo vệ ngư dân. Hàng ngày, trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta có hàng trăm tàu thuyền của Quân chủng Hải quân cũng như các lực lượng bảo vệ biển, thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, những đảo, điểm đảo – nơi có lực lượng Hải quân và các đơn vị bộ đội đóng quân đã tạo ra một niềm tin rất lớn cùng sự yên tâm của ngư dân để bà con vươn khơi bám biển. Điều này thể hiện bằng con số là những năm gần đây, số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ ngày một tăng; số lượng tàu cá vi phạm vào vùng biển nước ngoài đã ngày một ngày giảm đi rõ rệt.

Quân chủng Hải quân thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện trực trên các vùng biển nhằm quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo; tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân an tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Phối hợp với các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển, duy trì thực thi pháp luật trên biển.

Thứ tư, phát huy vai trò của ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trước tình hình trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, ngư dân cũng đã giúp cho lực lượng Hải quân nói riêng và các lực lượng nói chung nhiều thông tin quan trọng, tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển. Ví dụ như bà con thông tin về tình hình tàu cá nước ngoài, tàu giả danh tàu cá cũng như các lực lượng của nước ngoài xâm phạm vào vùng biển nước ta, góp phần để cho Quân chủng Hải quân kịp thời nắm bắt được, chủ động các phương án đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

hai quan xay dung the tran long dan vung chac tren bien hinh anh 4

CBCS Hải quân tuyên truyền cho ngư dân tại vùng biển giáp ranh

PV: Chương trình "Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển" thời gian qua đã góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển như thế nào thưa Trung Tướng?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển đã góp phần vào xây dựng thế trận lòng dân trên biển vững chắc. Như chúng ta đã biết, đất nước ta là một quốc gia ven biển với chiều dài bờ biển trên 3.200 km, vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1.000.000 km vuông. Biển thì vừa là không gian sinh tồn, vừa là nơi tạo sinh kế cho hàng hàng chục triệu người. Số lượng tàu cá của chúng ta hiện nay thì theo ước tính có khoảng gần 100.000 tàu, trong số đó thì có một phần ba số tàu đủ điều kiện đánh bắt xa bờ. Chúng tôi nhận thức rằng,  xây dựng  thế trận lòng dân thì trước hết phải động viên được một lực lượng rất lớn của tàu cá, của ngư dân ta để tham gia bảo vệ chủ quyền, vừa hoạt động kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đây có ý nghĩa rất lớn và cũng là quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về đường lối chiến tranh nhân dân. Đây là lực lượng rất đáng kể, một đội quân lớn. Nếu phát huy được tốt đội quân này thì đây chính là một lực lượng quan trọng để nắm tình hình trên biển, là lực lượng phối hợp với Hải quân để trực tiếp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Và điều này trong thực tiễn lịch sử nước ta đã chứng minh.

Từ năm 2019 đến nay, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” đã được triển một cách khoa học, sát thực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình, có thể khẳng định đây là cách làm đúng đắn, sáng tạo và rất cần thiết, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, vừa nâng cao hiệu quả khai thác hải sản trên biển của ngư dân, qua đó, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

hai quan xay dung the tran long dan vung chac tren bien hinh anh 5

CBCS Học viện Hải quân hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ

PV: Để xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, HQNDVN sẽ tập trung vào những giải pháp gì, thưa Trung tướng Nguyễn Văn Bổng?

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Trung tướng Nguyễn Văn Bổng: Hiện nay để xây dựng thế trận lòng dân thì Chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển là một trong những giải pháp trực tiếp. Cùng với đó, Quân chủng Hải quân cũng đã triển khai chương trình tuyên truyền biển, đảo đối với 63/63 tỉnh, thành của cả nước và 16 ban, bộ, ngành của Trung ương. Hằng năm, Quân chủng Hải quân cử hàng trăm cán bộ về các địa phương để thông tin về tình hình biển đảo. Thông qua tuyên truyền, nhận thức của nhân dân ta nói chung và ngư dân nói riêng về biển đảo, về pháp luật trên biển ngày càng tốt hơn.

Bốn năm qua, cùng với Chương trình Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển, Quân chủng Hải quân đã triển khai “Hoạt động Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” và các hoạt động khác như tổ chức các đoàn đi thăm Trường Sa, nhà giàn DK1; các hoạt động cứu hộ, cứu nạn…Đây cũng là những giải pháp căn cốt quan trọng để góp phần xây dựng thế trận lòng dân.

Hằng năm, Hải quân gửi các cái tài liệu để cho nhân dân cả nước biết về tình hình biển đảo. Bên cạnh đó, Quân chủng cũng đã triển khai được nhiều chuyến tàu để đưa đón các đại biểu cả trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đi thăm các đảo ở Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Năm 2023, Quân chủng đã tổ chức được 23 đoàn, với hơn 4.300 đại biểu. Thông qua việc đi thăm trực tiếp, tận mắt chứng kiến quân dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thì nhân dân ngày càng hiểu hơn về tình yêu đối với Tổ quốc, về chủ quyền thiêng liêng của biển, đảo. Qua đó, chính các đồng chí đại biểu cũng là những tuyên truyền viên, lan tỏa những thông tin đúng đắn, tích cực để cho nhân dân cả nước hiểu hơn về biển, đảo của chúng ta cũng như công tác đấu tranh lại với các luận điệu sai trái.

Ngoài ra, chúng tôi còn rất nhiều chương trình khác để xây dựng thế trận lòng dân. Nhưng tôi cho rằng, xây dựng thế trận lòng dân trên biển phải được hiểu với một nghĩa rộng. Xây dựng thế trận lòng dân không riêng chỉ trên biển mà phải xây dựng từ chính đất liền. Đây là trách nhiệm của của của mọi tổ chức, mọi cá nhân, của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.

PV: Trân trọng cảm ơn Trung tướng Nguyễn Văn Bổng.

Theo Thu Lan/VOV1 - 09/08/2023

https://vov.vn/chinh-tri/hai-quan-xay-dung-the-tran-long-dan-vung-chac-tren-bien-post1038098.vov