Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, nhưng nhiều trường hợp ung thư chúng ta có thể phòng ngừa...
Không có viên thuốc kỳ diệu nào giúp bạn phòng ung thư, nhưng thực hiện một số thói quen lành mạnh hàng ngày có thể giúp chúng ta thực hiện được điều này:
1. Giảm cân, giảm nguy cơ ung thư
Thừa cân, béo phì đang trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay. Số cân thừa sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư thực quản, tuyến tụy, ruột kết, thận và tuyến giáp…
Béo phì có thể là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư có thể phòng ngừa được. Để giảm cân lành mạnh, an toàn, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp kết hợp với việc tập luyện thể chất thường xuyên...
Giảm cân giúp phòng ngừa ung thư.
2. Ăn ít thịt đỏ
Cùng với các loại thịt đã qua xử lý như thịt xông khói, xúc xích… thịt đỏ có liên quan đến nguy cơ ung thư ruột kết và dạ dày cao hơn. Do đó, mức tiêu thụ cân đối và hợp lý các loại thực phẩm nói chung và đặc biệt là thịt đỏ nói riêng là chìa khóa để duy trì và nâng cao sức khỏe.
Do đó, nên ăn ít thịt đỏ. Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị không quá 500gam thịt đỏ một tuần.
3. Dùng kem chống nắng
Các tia có hại từ mặt trời có thể khiến bạn bị cháy nắng nhiều hơn. Bức xạ tia cực tím có thể gây ung thư da.
Những người dành nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời có nguy cơ ung thư da cao hơn. Hầu hết các trường hợp đều có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm, nhưng chúng có thể đe dọa tính mạng nếu để lan sang các bộ phận khác trên cơ thể (di căn).
Kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên có thể giúp bảo vệ bạn.
4. Ăn nhiều rau hơn
Trái cây và rau quả rất giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và phytochemical (hóa chất thực vật)... Kết hợp với nhau có thể giúp ngăn ngừa thiệt hại tế bào có thể dẫn đến ung thư sau này, giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Trái cây và rau quả rất giàu chất dinh dưỡng và ít calo nên chúng giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, tăng cường khả năng bảo vệ chống lại bệnh ung thư.
Chất béo dư thừa xung quanh dạ dày và béo phì là những yếu tố nguy cơ đã được chứng minh rõ ràng đối với một số bệnh ung thư dạ dày, ruột, vú (sau mãn kinh), thực quản, gan, thận, túi mật, tuyến tụy, nội mạc tử cung, buồng trứng và tuyến tiền liệt.
Do đó, nên ăn 2 phần trái cây và 5 phần rau mỗi ngày.
Trái cây và rau quả rất giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa thiệt hại tế bào có thể dẫn đến ung thư sau này.
5. Không lạm dụng các chất bổ sung
Một chế độ ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt là lựa chọn tốt hơn so với các chất bổ sung dinh dưỡng để giảm nguy cơ ung thư.
Các chất bổ sung không mang lại cho bạn những lợi ích giống như thực phẩm toàn phần và chúng có thể làm mất cân bằng các chất dinh dưỡng khác trong cơ thể.
Các chất bổ sung có thể giúp ích trong một số điều kiện nhất định, nhưng đừng ‘đặt cược’ vào chúng để kỳ vọng ngăn ngừa ung thư.
6. Cắt giảm lượng đường
Thực phẩm hoặc đồ uống có nhiều đường sẽ cung cấp nhiều calo hơn. Nếu ăn chúng thường xuyên, bạn có nhiều khả năng hấp thụ nhiều calo hơn mức đốt cháy trong một ngày. Điều đó có thể khiến bạn tăng cân và có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Bạn không cần phải bỏ đường hoàn toàn, nhưng hãy chú ý đến những thứ có thêm chất làm ngọt.
7. Tiêm phòng vaccine HPV
Virus gây u nhú ở người (HPV) thường được truyền từ người này sang người khác qua đường tình dục. Nó có thể sống trong cơ thể bạn trong nhiều năm và thậm chí bạn có thể không nhận thấy.
HPV là nguyên nhân của hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và cũng có thể gây ung thư âm đạo, dương vật, hậu môn, miệng và cổ họng.
Các bé gái có thể tiêm vaccine trong độ tuổi từ 9 đến 26 và các bé trai từ 9 đến 21 tuổi. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm virus.
Tiêm phòng vaccine HIV phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
8. Luôn di chuyển
Những người tập thể dục, ít có khả năng bị ung thư ruột kết, vú hoặc tử cung. Khi bạn đứng dậy và di chuyển, cơ thể sẽ sử dụng nhiều năng lượng hơn, tiêu hóa thức ăn nhanh hơn và ngăn ngừa sự tích tụ của một số hormone có liên quan đến ung thư.
Vận động cũng có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim, đái tháo đường type 2...
9. Bỏ hút thuốc
Thuốc lá được biết là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư, cũng như bệnh tim và phổi... Những người bỏ hút thuốc giảm nguy cơ ung thư phổi từ 30% đến 50% sau 10 năm, so với những người tiếp tục hút thuốc và giảm một nửa nguy cơ ung thư miệng hoặc thực quản trong vòng 5 năm sau khi bỏ thuốc.
Bỏ hút thuốc cải thiện sức khỏe ở những người hút thuốc ở mọi lứa tuổi. Do đó, nếu bạn đang hút thuốc hãy tìm cách cai thuốc. Nếu bạn không hút thuốc thì đừng bao giờ bắt đầu.
10. Hạn chế uống rượu
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hệ tiêu hóa (dạ dày, gan và ruột kết), cũng như ung thư vú, ung thư vòm họng và nhiều hệ lụy sức khỏe khác.
Uống rượu có thể làm tổn thương các mô trong cơ thể, làm hỏng gan và kết hợp với các hóa chất khác (thuốc điều trị) có thể gây hại cho các tế bào của cơ thể.
Do đó, đàn ông không nên uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày và phụ nữ nên giới hạn ở một ly.
11. Chích ngừa viêm gan B
Những người nhiễm virus viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 100 lần, một trong những loại phát triển nhanh nhất.
Những người có vấn đề về gan mạn tính, nhiều bạn tình hoặc dùng chung kim tiêm để sử dụng ma túy có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan B.
Tiêm phòng viêm gan B có thể giúp bạn tránh được nguy cơ này.
12. Sàng lọc ung thư
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư được phát hiện càng sớm thì khả năng hồi phục của càng cao.
Một loạt các xét nghiệm có thể kiểm tra các loại ung thư khác nhau, chẳng hạn như vú, ruột kết, tuyến tiền liệt hoặc da...
Hãy trao đổi với bác sĩ xem bạn nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc nào và khi nào thực hiện…
Theo BS. Tăng Minh Hoa/suckhoedoisong.vn - 15/08/2023
https://suckhoedoisong.vn/12-dieu-ban-nen-lam-de-giam-nguy-co-ung-thu-169230813134207154.htm