Cập nhật: 16/08/2023 07:46:00
Xem cỡ chữ

Hơn 80 năm về trước, bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí (tức Hàn Mặc Tử) nhập viện Quy Hòa để chữa trị căn bệnh phong hiểm nghèo. Trong căn phòng nhỏ ở đây, người thi sĩ tài hoa này đã trút hơi thể cuối cùng vào năm 1940. Cũng kể từ đây, nơi điều trị của Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa đã trở thành điểm du lịch sinh thái và văn hóa hấp dẫn du khách yêu mến thơ Hàn.

Hơn hết, giờ đây Quy Hòa là một nơi được nhiều tổ chức y tế quốc tế đánh giá cao bởi thành tích xóa dần nỗi e ngại, lấp dần hố sâu ngăn cách  giữa thế giới người phong với xã hội bên ngoài.

Mộ thi nhân Hàn Mặc Tử nằm ở danh lam thắng cảnh quốc gia Ghềnh Ráng

Trong cuộc đời sáng tác thơ văn, Hàn Mặc Tử là người có phong cách viết thơ độc đáo. Ông cũng là người tiên phong cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Các tác phẩm của Hàn Mặc Tử có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với nền văn học nước nhà, tiêu biểu như Lệ Thanh thi tập, Thơ Điên, Duyên Kỳ Ngộ. Tài hoa nhưng bạc mệnh, ở 28 tuổi Hàn Mặc Từ mất đi khi tuổi đời còn rất trẻ. 

Quay trở lại thung lũng Quy Hòa vào những ngày đầu tháng 8, anh Lê Kim Diệp - một người dân địa phương đã gắn bó tuổi thơ nơi đây dẫn chúng tôi thăm trại phong Quy Hòa, nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử đã điều trị và trút hơi thở cuối cùng. “Những năm qua, có rất nhiều du khách và yêu thơ Hàn ghé thăm nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử đã mất. Khu điều trị của thi sĩ được nhà thờ, bệnh viện và người dân chăm sóc cây xanh, dọn sạch rác để cảnh quan khuôn viên luôn thoáng đãng, sạch đẹp”, anh Diệp nói và cho hay, ngày 29.9.1940, bệnh nhân phong Nguyễn Trọng Trí nhập viện Quy Hòa. Ở đây, ông chỉ biết đi nhà thờ, đọc kinh cầu nguyện Đức Mẹ Maria ân phước và cũng trong năm đó, vì căn bệnh hiểm nghèo ông đã mất tại Quy Hòa.

Nói về sự cổ kín của thung lũng Quy Hòa, anh Diệp chia sẻ thêm, Quy Hòa hiện nay có hàng trăm ngôi nhà nhỏ với kiểu dáng kiến trúc xinh đẹp. Nhà của bệnh nhân phong đều là nhà trệt, tạo điều kiện để bệnh nhân sống thoải mái. Hàng hiên trước bằng gạch bông, đá xanh, không có hàng rào... trong đó, nhà nào cũng có một vườn hoa nhỏ trước sân. Chưa kể, trong khuôn viên Quy Hòa có gần 40 tượng danh nhân y học. Trải qua thăng trầm của thời gian, Quy Hòa vẫn bảo tồn được phần lớn kiến trúc có được từ xưa đến nay.

Nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử đã điều trị và trút hơi thở cuối cùng ở bệnh phong Quy Hòa

Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định, sau khi nhà thơ Hàn Mặc Tử qua đời và được an táng tại Quy Hòa. Chừng 20 năm sau, phần mộ của ông được gia đình và bạn bè di dời về đồi Thi Nhân nằm ở núi Xuân Vân nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh quốc gia Ghềnh Ráng. Hiện tại, ngôi mộ của ông vẫn được chăm sóc cẩn thận và trở thành một trong những điểm tham quan thu hút du khách khi đến với thành phố biển miền Trung thơ mộng.

Ngoài ra, ông Tĩnh cũng thông tin, đến thăm mộ Hàn Mặc Tử, du khách không thể lỡ cơ hội khám phá và tìm hiểu về Ghềnh Ráng. Nơi đây được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích quốc gia vào tháng 11.1991. Ngoài phần mộ Hàn Mặc Tử, trong danh thắng Ghềnh Ráng còn có một số điểm đến nổi tiếng như Nhà thờ Ghềnh Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu, bãi Tiên Sa... Với những bãi đá tuyệt đẹp, nhiều hình thù khác nhau, khách du lịch thoải mái check-in, chụp ảnh lưu niệm.

Theo PHAN HIẾU/baovanhoa.vn - 14/08/2023

http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/67805/ve-dat-vo-tham-noi-an-nghi-cua-thi-si-han-mac-tu