Vượt qua quãng đường gần 200 km đèo núi quanh co, với những biển chỉ đường "dốc dài xuống liên tục", hoặc "dốc dài lên liên tục", toàn thân đang rã rời của chúng tôi bỗng nhẹ bẫng, khi trước mắt hiện ra ngôi làng xinh đẹp - làng Pơr' ning (xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).
Giữ hồn của làng
Làng nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng, với những ngôi nhà gỗ xinh đẹp, như hình dung hồi nhỏ của tôi về ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên trong bộ phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên. Thấy chúng tôi bước xuống xe, những đứa trẻ xinh đẹp với đôi mắt đen tròn và vẻ mặt tinh nghịch ùa đến, làm những động tác trêu đùa rất thân thiện.
Những ngôi nhà gỗ ẩn mình dưới những tán cây xanh tốt thật thanh bình
Pơr' ning là một ngôi làng mang đậm tính truyền thống của người dân tộc Cơ Tu. Giữa làng là ngôi nhà cộng đồng, được gọi là gươl, một kiến trúc độc đáo và đầy uy quyền.
Già làng Bh’Riu Pố (xã Lăng) cho biết, gươl là ngôi nhà cộng đồng, ngôi nhà chung của người Cơ Tu, mỗi một làng Cơ Tu đều có gươl. Ngôi nhà này là nơi diễn ra mọi hoạt động cộng đồng của buôn làng, là nơi hội họp để bàn bạc và đưa ra các quyết định chung; gươl cũng là ngôi nhà chung để dân làng tụ tập trú ngụ trước những hiểm họa bất ngờ từ thiên nhiên, như bão lốc, lũ lụt; là đồn luỹ để những chàng trai Cơ Tu trú ngụ khi tiêu diệt kẻ thù, thú dữ. Gươl còn là một chốn linh thiêng để dân làng tiến hành các thủ tục tâm linh vì người dân Cơ Tu khi sinh ra hay khi mất đi, đều làm lễ ở gươl.
Gươl của làng Pơr’ ning được xếp hạng là một trong những gươl đẹp nhất của Quảng Nam, với kiến trúc kiểu nhà sàn bằng gỗ truyền thống, mái lợp lá cao vút. Những ánh mắt của chúng tôi ngay lập tức bị hút vào những hình thù chạm trổ đầy huyền bí như hình con rắn, con hổ, con voi,…
Trèo qua những bậc thang khá cao và bước qua bậu cửa, chúng tôi càng ngỡ ngàng hơn bởi những tác phẩm điêu khắc nhiều màu sắc được trang trí bên trong gươl. Một cuộc sống sinh động của núi rừng như được quy tụ về đây với những muông thú, cỏ cây và những cảnh múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng của các chàng trai, cô gái Cơ Tu… Bên cạnh đó, các hoa văn, hoạ tiết được trang trí trong Gươl cũng rất độc đáo và tinh tế. Có thể thấy yếu tố nổi bật là các thành phần trang trí hoa văn hình kỉ hà hết sức tinh tế. Kỉ hà ở đây bao gồm các loại hình tam giác, hình tròn, hình ô trám, đường gấp khúc…. được sắp xếp rất logic, tạo nên các dải trang trí nối tiếp theo những motip thống nhất từ trong ra ngoài.
Gươl là trái tim, là linh hồn của làng
Điểm độc đáo trong kiến trúc gươl của người Cơ Tu còn thể hiện ở hệ thống cột. Chính giữa gươl là một cột to thể hiện trái tim của làng. Cây cột càng to thì nó thể hiện sự đoàn kết của làng càng mạnh. Cây cột to đó được đồng bào Cơ Tu gọi là cây cột bố vì người Cơ Tu theo chế độ phụ hệ. Xung quanh cây cột bố là những cây cột mẹ. Cây cột chính này cũng là điểm chịu lực của gươl, giúp gươl luôn vững chãi.
Có lẽ vì yếu tố đoàn kết được đặt lên hàng đầu, nên hàng ngàn năm nay, người Cơ Tu luôn biết dựa vào nhau để sống, để bảo tồn những bản sắc văn hoá tốt đẹp.
Ngoài việc giữ gìn những giá trị độc đáo của điêu khắc, dân làng Pơr’ning còn giữ gìn được các nghề truyền thống lâu đời như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát cùng vũ điệu Tung tung Da dá đặc sắc.
Nói về nghề dệt thổ cẩm, anh Bh’ling Phát - trưởng thôn Pơr’ ning cho biết, thổ cẩm ở Pơr’ ning được làm hoàn toàn thủ công và khép kín, từ các nguyên liệu bông, gai, đay, xe sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn, tra cườm, thêu… cho đến công đoạn may thành sản phẩm. Các khung dệt cũng được làm hết sức thô sơ, chỉ từ những thanh tre, nứa… Muốn dệt nên một chuỗi hoa văn cườm, người thợ phải cắt sợi ngang rồi chèn các hạt cườm vào, tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người mà thêm hay bớt hạt cho phù hợp.
Thổ cẩm ở Pơr'ning được dệt hoàn toàn thủ công với những khung dệt thô sơ nhưng sản phẩm vô cùng tinh xảo
Mặc dù hiện nay có rất nhiều loại quần áo hiện đại, nhưng A Lăng Thị Dung, một trong những người thợ dệt trẻ nhất thôn Pơr’ ning vẫn thường mặc đồ truyền thống của người Cơ Tu vào những dịp lễ, tết, khi nhà có khách quý đến thăm. Được mẹ, được bà dạy dệt từ nhỏ, Dung mong rằng, mình sẽ là người thợ dệt giỏi để thổ cẩm của người Cơ Tu được nhiều người biết tới. Nhìn bàn tay thoăn thoắt của Dung bên khung dệt, chúng tôi cũng tin một ngày rất gần, những tấm thổ cẩm của người Cơ Tu sẽ trở thành sản phẩm được ngành thời trang săn đón.
Một nét văn hoá đặc sắc được dân làng Pơr’ ning gìn giữ bao đời nay, đó chính là vũ điệu Tung tung Da dá, theo tiếng Cơ tu có nghĩa là “Vũ điệu dâng Trời”.
Mặc dù không phải là dịp lễ hội của làng, nhưng biết có khách từ phương xa đến, nên Làng đã “đãi” chúng tôi một buổi biểu diễn vô cùng đặc sắc. Ngay từ chiều, những nam thanh, nữ tú đã tập trung trước sân gươl. Khi vũ điệu bắt đầu, những người đàn ông Cơ Tu mặc khố, choàng áo dệt bằng thổ cẩm, đi chân trần, tay nắm chắc cây khiên, cây giáo và nắm chắc tay bạn bên cạnh tung đôi tay lên vừa bước vừa hú một cách tự tin và hùng dũng, thể hiện sức mạnh của trai làng. Những người phụ nữ trong trang phục váy thổ cẩm nhiều màu sắc, hoa văn, vai trần, cổ đeo vòng cườm, tay đưa lên ngang vai, cẳng tay gập vuông góc và hai bàn tay ngửa lên cao, đôi chân trần vừa nhón gót, vừa xoay tròn ngược kim đồng hồ, trông thật mềm mại, nhịp nhàng. Trong không gian bao la của núi rừng, vòng tròn nam nữ di chuyển nhịp nhàng sinh động cùng với âm thanh cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống khác luôn ngân dài như một lời cầu nguyện của người Cơ tu gửi tới đấng thần linh và tổ tiên. Họ tin rằng thần đất, thần sông, thần suối cho họ cái ăn và Giàng cho họ cái nghĩ, cái tin vào sức mạnh để vượt qua, sống mạnh mẽ với nắng gió và núi rừng Trường Sơn.
Tung tung Da dá là vũ điệu gắn với nhiều lễ hội truyền thống và sự kiện quan trọng trong đời sống của người Cơ Tu
Đánh thức “nàng công chúa ngủ trong rừng”
Ông Bh’ling Miên, Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết, thôn (làng) Pơr’ning là thôn điểm của tỉnh Quảng Nam về phát triển văn hóa xã hội, là khu dân cư tập trung đầu tiên của huyện Tây Giang khi thực hiện Đề án sắp xếp và ổn định dân cư để phòng tránh thiên tai. Đây là nơi quần tụ của 139 hộ đồng bào Cơ Tu với khoảng 600 khẩu.
Ngoài việc bảo tồn được bản sắc văn hoá đặc sắc của dân tộc, Pơr’ ning còn giữ được cảnh quan môi trường rất sạch đẹp. Trên những con đường bê tông sạch sẽ, những thùng rác màu xanh được đặt cách nhau khoảng hơn 100m, luôn được đậy nắp cẩn thận, và người dân luôn có thói quen bỏ rác vào thùng, không vứt rác, xả thải ra nơi công cộng; xác động vật chết được chôn lấp hoặc tiêu huỷ, không ai vứt xuống sông, suối, mương, cống.
Theo ông Bh’ling Miên, thời gian qua, việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương luôn bám sát thực tiễn đời sống của người dân. Qua đó đã giúp thay đổi diện mạo, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. Nhiều tiêu chí được đánh giá cao về hiệu quả chất lượng, nhất là văn hóa, nhà ở dân cư và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Pơr’ ning là làng giữ được cảnh quan môi trường rất xanh, sạch, đẹp
Trò chuyện cùng chúng tôi, già làng Cơlâu Nhấp cho biết, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, thâm canh tăng năng suất cây trồng, từ bỏ cuộc sống du canh du cư, đốt rừng làm rẫy nên thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Cũng như các thôn khác trong xã Lăng, việc trồng các loại cây dược liệu bản địa như ba kích, đẳng sâm đã trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của người dân Pơr’ ning, mang lại thu nhập cao cho bà con trong thôn, có nhà mua được cả máy xay xát và những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền khác.
Cũng từ nhiều năm nay, Pơr’ ning không có hiện tượng tảo hôn, kết hôn cận huyết hay vi phạm chế độ một vợ một chồng; việc cưới, việc tang cũng được thực hiện một cách văn minh, tiết kiệm; những hủ tục lạc hậu cũng đã được loại bỏ. Bên cạnh đó, người dân Pơr’ning đã thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, các cháu trong độ tuổi đến trường đều đi học đầy đủ...
Với sự ưu đãi của thiên nhiên như khí hậu mát mẻ giữa mùa hè, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều cây dược liệu quý, bản sắc văn hoá độc đáo, Pơr’ ning luôn làm say lòng những du khách yêu vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng, ưa khám phá những nét đẹp văn hoá truyền thống.
Mặc dù những năm qua, Pơr’ning đã đón không ít đoàn khách đến tham quan, khám phá vẻ đẹp núi rừng và trải nghiệm những nét văn hoá đặc sắc, nhưng phần lớn là “khách Tây” từ Hội An lên hoặc những nhóm bạn trẻ ưa khám phá. Lượng khách đến Pơr’ning vẫn còn thưa thớt vì đường xá còn xa xôi, và căn bản là chưa có sự kết nối tốt các tuyến, điểm du lịch trong vùng.
Già làng Cơ lâu Nhấp giới thiệu hương ước của làng (thôn) - "văn bản pháp lý" quan trọng mà dân làng luôn tuân thủ
Để du khách thực sự bỏ lại sau lưng những ồn ào của nhịp sống thường ngày, xách ba lô lên với Pơr’ ning xinh đẹp trên đỉnh Trường Sơn, thưởng thức những vũ điệu say đắm, nếm thử những đặc sản của núi rừng Tây Giang, và khi ra về, món quà quý mà du khách có thể mang về, chính là những sản phẩm được làm từ những dược liệu quý hiếm, mà không phải nơi nào cũng có được, thì việc xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch phải được thực hiện thường xuyên; cần có sự liên kết hình thành các sản phẩm du lịch, tổ chức các hoạt động văn hoá để quảng bá, thu hút du khách.
Mong một ngày không xa, làng Pơr’ning xinh đẹp sẽ không phải là Nàng công chúa ngủ trong rừng, mà sẽ luôn vang tiếng cồng chiêng, tiếng trống trong điệu dân vũ Tung tung Da da, tiếng thoi dệt lách cách và tiếng rộn ràng của bước chân du khách gần xa.
Theo HOÀNG HƯƠNG/baovanhoa.vn - 13/08/2023
http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/67780/lang-por-ning-tren-dinh-truong-son