Cập nhật: 18/08/2023 09:47:00
Xem cỡ chữ

Khi thương mại điện tử ngày càng phát triển, cùng với những mặt tích cực thì vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng bán hàng trên mạng để ngang nhiên kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vì vậy người tiêu dùng cần tỉnh táo khi mua sắm trên mạng.

Những mặt hàng chính hãng thông thường có giá bán từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, giờ đây có thể dễ dàng tìm kiếm trên các trang mạng xã hội, sàn mua sắm điện tử chỉ với giá vài trăm nghìn đồng. Theo số liệu của Công ty Bưu chính thương mại điện tử Ninja Van, Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số đơn hàng trực tuyến, với trung bình một người mua đến 104 đơn hàng mỗi năm.

Các hành vi gian lận thương mại trên môi trường điện tử diễn ra rất tinh vi và khó kiểm soát. Các tổ chức cá nhân kinh doanh trên mạng thường không có địa điểm cụ thể, không có kho hàng để kiểm tra. Thanh toán cũng qua một tổ chức trung gian. Người mua và người bán hoàn toàn không gặp nhau, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và điều tra. Với tỷ lệ ước tính hơn một nửa dân số Việt Nam đang mua sắm trực tuyến, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần phải giữ được sự tỉnh táo, cẩn thận với đồ rẻ, đồ không rõ nguồn gốc xuất xứ khi mua sắm trên mạng.

Từ nay đến cuối năm là thời điểm diễn biến phức tạp của hoạt động kinh doanh vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần kiểm tra khi giao nhận mua bán hàng hóa và phải có chứng từ, vì nếu chỉ ham rẻ và tin vào những quảng cáo trên mạng xã hội, người tiêu dùng thông thái cũng rất dễ trở thành nạn nhân của hàng giả.

Phương Liên