Sáng 20/8, tại Kon Tum, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum sáng 20/8.
Phát biểu ý kiến gợi mở thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu nêu những băn khoăn, trăn trở về sự phát triển của Kon Tum, từ đó đưa ra các giải pháp để Kon Tum phát triển đúng hướng, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh; đưa ra đề xuất thuộc thẩm quyền của các cơ quan.
Thủ tướng nêu rõ, công việc của một tỉnh không thể giải quyết trong một cuộc họp, nhưng chúng ta phải tìm được “đầu ra”, tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Báo cáo của Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 17.631 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,47%; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 53,2 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng đạt 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2022 hơn 23.100 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 là 12.442 tỷ đồng, đạt 46,1% kế hoạch và tăng 17,1% so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là 9.977 tỷ đồng, đạt 48,9% kế hoạch và tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 4.050 tỷ đồng, bằng 145,3% dự toán Trung ương giao (2.787 tỷ đồng) và bằng 101,1% dự toán địa phương giao (4.000 tỷ đồng); đến 31/7/2023 đạt 1.786 tỷ đồng, bằng 55% dự toán Trung ương giao (3.246 tỷ đồng) và bằng 39,7% dự toán địa phương giao (4.500 tỷ đồng).
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã được địa phương giao hơn 4.817,8 tỷ đồng, đến 30/6 giải ngân 918,7 tỷ đồng, đạt 24,7% trên thực nguồn; tính đến 31/7 giải ngân 1.166 tỷ đồng, đạt 35,6% so với thực nguồn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 địa phương đã giao.
Đến nay, đã có 42/85 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm 49,4% tổng số xã), bình quân toàn tỉnh đạt 15,34 tiêu chí/xã. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp-xây dựng năm 2022 đạt 14,88% (trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 10,7% so với cùng kỳ).
Hoạt động thương mại, dịch vụ được phục hồi và phát triển; tốc độ tăng trưởng toàn ngành (giá so sánh 2010) năm 2022 đạt 8,3% (6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng đạt 5,3% so với cùng kỳ).
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh Kon Tum năm 2022 đạt 17.631 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,47%; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 53,2 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng đạt 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 29.155 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 16.998 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch và tăng 11,04% so với cùng kỳ; đến 31/7/2023 đạt 19.791 tỷ đồng, bằng 62,9% kế hoạch và tăng 16% so với cùng kỳ.
Ngành du lịch tiếp tục phát triển. Năm 2022, tỉnh thu hút được trên 1,3 triệu lượt khách; 7 tháng đầu năm 2023 thu hút trên 1 triệu lượt khách, đạt 80,6% kế hoạch và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2022 xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2021; Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2021.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã thu hút 27 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 2.789,6 tỷ đồng, có 476 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 7.831 tỷ đồng.
Về văn hóa, xã hội, chất lượng giáo dục của tỉnh được nâng lên, có 189/359 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 52,6%); điểm trung bình môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Kon Tum đạt 6,34 điểm (tăng 06 bậc so với năm 2022, đứng thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên) và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 là 98,74% (tăng 1% so với năm 2022).
Công tác giảm nghèo tiếp tục được tập trung chỉ đạo, tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2022 khoảng 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% (giảm 4,46% so với năm 2021).
Công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số được chú trọng thực hiện. Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại: quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường…
Quang cảnh buổi làm việc
Thông tin về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, về kinh tế, tỉnh tiếp tục cập nhật, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách. Đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án và giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Tỉnh huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, dược liệu. Phát triển kinh tế cửa khẩu, các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống. Tăng cường liên kết, phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử, bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số.
Đồng thời, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm sớm triển khai các dự án trọng điểm, dự án của các nhà đầu tư chiến lược.
Về văn hóa-xã hội, tỉnh Kon Tum tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số. Củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế dự phòng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giảm nghèo. Tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, phương án về bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên truy quét, trấn áp, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Tiếp tục mở rộng đối ngoại với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.
Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến, "tự chuyển hóa"".
Thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ, phát triển đảng viên và công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm, dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở cơ sở.
Theo TIN, ẢNH: THANH GIANG - PHÚC THẮNG – 20/8/2023
https://nhandan.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-lam-viec-voi-ban-thuong-vu-tinh-uy-kon-tum-post768244.html