Cập nhật: 23/08/2023 08:12:00
Xem cỡ chữ

Tiếng động cơ của hàng chục chiếc xe máy tập trung ngay đầu Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông phá tan không gian yên tĩnh của núi rừng khi chúng tôi có mặt ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào một buổi sáng sớm.

Toàn cảnh Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông tại thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. (Ảnh THỦY NGUYÊN)

Trời mưa nhỏ và khá lạnh dù là đang cuối tháng 6. Tuy vậy, chẳng biết có phải vì thứ âm thanh ầm ĩ đó hay hơi người tỏa ra mà lớp sương mù bồng bềnh trên các mái nhà, các ngọn núi như bị xé toang từng mảnh sau khi từng tốp xe rời đi. Rồi không gian yên bình dần trở lại, đưa Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông quay về nhịp điệu chậm rãi đúng như cuộc sống hằng ngày của đồng bào vùng cao nguyên đá.

Nói vậy nhưng nhiều thay đổi đang diễn ra mạnh mẽ ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông và mang lại biết bao hy vọng, niềm vui cho những người dân đã gắn bó với mảnh đất nơi đây.

Cơ duyên của vợ chồng thầy giáo trẻ

Theo chân Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pả Vi, Thào Minh Sơn, chúng tôi đến homestay Ngọc Minh ở khu A của làng. Nhìn bề ngoài, homestay Ngọc Minh cũng giống như nhiều homestay khác ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông, nhất là khu A được xem là bông hoa trọn vẹn hơn cả so với khu B và khu C. Đó là một ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc của người H’mông, kiểu nhà trình tường bằng đất, cột kèo bằng gỗ, bố cục ba gian hai chái cùng mái lợp ngói âm dương hai tầng. Mỗi homestay rộng khoảng 300 m2, chung quanh có hàng rào bằng đá quen thuộc.

Tuy vậy, phía sau không gian thư giãn bên cốc cà-phê của gia đình một vị khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh là tiếng máy cưa, máy cắt ở sâu bên trong ngôi nhà. Hỏi Đào Văn Vũ, chủ homestay Ngọc Minh, thì anh cho biết, đang mùa hè và không phải là mùa cao điểm du lịch, anh tranh thủ sửa chữa, nâng cấp các phòng khép kín.

Nhìn mọi thứ ngổn ngang nhưng nghe Vũ nói, tất cả đều do bố vợ anh làm, chúng tôi thật sự bất ngờ. Bởi trong một ngôi nhà toàn bằng gỗ, tre, người thợ không chỉ cần kỹ năng của nghề mộc mà họ còn phải có con mắt của một nghệ sĩ khi trang trí các căn phòng mang bản sắc của người H’mông và tạo ra nét riêng biệt của homestay. Vì thế, dù không gặp ông, chúng tôi cũng ấn tượng về những gì mà bố vợ Vũ thực hiện, từ cái cầu thang cho đến nội thất bên trong mỗi phòng.

Ngôi nhà có kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc H'mông tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H'mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. (Ảnh MỸ HÀ)

Như chàng trai sinh năm 1988 chia sẻ, tiền thu được từ kinh doanh homestay anh đều dùng để tái đầu tư và thực tế thì cũng chỉ mới hai năm trở lại đây, các hộ tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông mới có nguồn thu từ du lịch sau khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế. Thêm nữa, ở một nơi như Hà Giang mà cụ thể là tại Mèo Vạc, công thợ cao nhưng chưa chắc anh có thể tìm được những người thợ như ý.

Vậy là kể từ khi bắt đầu quá trình xây dựng homestay vào năm 2017 cho đến nay, Vũ đã phải thuê mấy lần thợ, bản thân cũng làm tất cả các phần việc rồi cộng thêm sự giúp đỡ, hỗ trợ của bố ruột, bố vợ, thậm chí cả đồng nghiệp là những thầy giáo, cô giáo ở vùng cao này. Chẳng thế mà mất hai năm, vợ chồng anh mới làm xong phần nhà, thêm sáu tháng nữa mới xong phần nội thất.

Khó khăn chưa dừng ở đó. Homestay mở cửa năm 2019 thì cuối năm, dịch Covid-19 xuất hiện. Bù lại, dù chưa có nguồn thu vào lúc này, tiền vẫn phải vay mượn nhưng vốn là một giáo viên dạy vật lý nên Vũ cũng biết làm hết phần điện, nước. Nhờ đó mà ở khoảng lặng vì đại dịch, anh tranh thủ hoàn thiện homestay.

Sau đó, những tâm sự của chàng trai người Phú Thọ giúp chúng tôi hiểu được lý do vì sao Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pả Vi muốn giới thiệu anh với chúng tôi. Đó là Vũ và vợ rời miền quê Phú Thọ lên Hà Giang xây dựng cuộc sống, bắt đầu với sự nghiệp trồng người vào năm 2012. Trong khi vợ dạy ở cấp tiểu học, anh là giáo viên môn Vật lý của Trường THCS Hoàng Su Phì. Cứ nghĩ cuộc sống của hai vợ chồng trôi qua yên bình như vậy, nhưng cơ duyên đã đến với họ năm 2016 khi một đồng nghiệp rủ họ đầu tư vào Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông rồi sau đó bán lại phần vốn của mình cho anh.

Có nằm mơ cũng không tin rằng khung cảnh đẹp, địa thế đẹp mà anh vẫn chiêm ngưỡng trên con đường tới trường hằng ngày bao lâu nay sẽ mang lại cho anh cơ hội thay đổi cuộc sống, Vũ quyết định mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Những gì diễn ra sau đó là câu chuyện mà Vũ đã tâm sự với chúng tôi, trong đấy có một ý chúng tôi tin rằng, vợ chồng anh chia sẻ thật lòng. Đó là sau từng đó năm gắn bó với Hà Giang, họ cảm thấy mình cũng là một phần của mảnh đất, con người nơi đây. Mong muốn của họ là thay đổi cuộc sống của bản thân và giúp đỡ người dân địa phương, thông qua việc tạo điều kiện cho người H’mông làm việc ở homestay, mua lại thực phẩm mà người trong thôn cung cấp.

Thật tiếc là Vũ không còn theo đuổi công việc giảng dạy nữa vì anh phải tập trung hoàn toàn cho homestay Ngọc Minh khi khách du lịch đến Hà Giang và Mèo Vạc ngày một nhiều. Với quy mô 13 phòng như hiện nay, anh chẳng mong gì hơn là có được số lượng khách ổn định và thay vì nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh, anh cho rằng, anh cần cung cấp dịch vụ tốt trước tiên để mọi người sẽ luôn nhớ đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông, nhớ đến homestay Ngọc Minh.

Mô hình du lịch cộng đồng lý tưởng

Nếu ví Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông như một bông hoa đẹp dưới chân đèo Mã Pì Lèng thì Vũ và cộng đồng 26 hộ dân của làng như những cánh hoa làm nên bông hoa đó. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pả Vi, Thào Minh Sơn, nhìn ngang tầm mắt sẽ rất khó để xác định toàn bộ không gian làng nhưng ở góc nhìn của những chú chim, làng được chia thành ba khu A, B và C rõ rệt, mỗi khu có hình lục giác giống như một bông hoa đào (trừ khu C do gặp nhiều vướng mắc về vấn đề đất đai) đang khoe sắc giữa đất trời Mèo Vạc.

Dĩ nhiên, đến Hà Giang vào mùa hoa đào, hoa mận, hoa cải vàng trong tháng 1, tháng 2, hoa gạo trong tháng 3, hoa ban tím, hoa vông đỏ, hoa trẩu trắng trong tháng 4 và đặc biệt là hoa tam giác mạch trong tháng 10, tháng 11 luôn đẹp nhưng Hà Giang mỗi mùa lại có những sức hút riêng. Nếu không, chúng tôi đâu có thấy được sự biến chuyển của thời tiết trong một ngày tháng 6 tại đây, sáng mù sương, mưa, trưa chiều hửng nắng rực rỡ và đến tối thì mưa, một chút se se lạnh.

Tuy vậy thì ở Pả Vi, chúng tôi còn được thấy một Hà Giang thu nhỏ ở ngôi làng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc H’mông, theo đúng chủ trương của đề án mà Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt năm 2016 nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc H’mông và cũng tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Phải nói thêm rằng, làng văn hóa du lịch cộng đồng thì có nhiều, ngay tại Hà Giang và ở nhiều tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc nhưng một ngôi làng mang bản sắc văn hóa một dân tộc thiểu số mà cụ thể là dân tộc H’mông thì chưa.

Vì thế, tại Pả Vi, chúng tôi bắt gặp những nếp nhà nhỏ truyền thống của đồng bào H’mông, những hàng rào đá bao quanh, những trái ngô vàng óng ả treo trước hiên nhà và cũng được nhìn thấy, cảm nhận rõ những giá trị văn hóa lâu đời của họ qua ẩm thực, trang phục, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt thường ngày như tước lanh, đan lát, dệt vải, làm mèn mén, nấu rượu hay trình diễn khèn, sáo và các điệu hát. Và còn gì tuyệt vời hơn khi trải qua tất cả những điều đó sau hoặc trước lúc lướt qua các cung đường uốn lượn, những con dốc cheo leo ẩn hiện trong mây, chinh phục đỉnh Mã Pì Lèng ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển và rồi khám phá hẻm Tu Sản, với chiều cao vách đá 700-800 m, sâu gần 1.000 m, nằm trên dòng Nho Quế.

Vì thế, nếu chúng tôi ngạc nhiên, thích thú lúc mới bước qua chiếc cổng hình hai chiếc khèn H’mông và hàng rào đá chạy dọc hai bên đường, thì chúng tôi cũng có thể thấy rõ sự hài lòng, vui vẻ và đầy háo hức của các vị khách nước ngoài khi rời Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông bằng từng tốp xe máy, để lại những vệt khói phía sau như xé toang màn sương bồng bềnh trên những mái nhà, ngọn núi.

Vậy mà trước đó, mọi chuyện đều rất khó khăn. Về phía người dân, mặc dù được Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, có cơ chế chính sách hỗ trợ, song họ lại gặp khó khăn về nguồn vốn. Về phía chính quyền, việc chuyển đổi tư duy từ làm nông nghiệp sang làm du lịch thật không dễ ở cộng đồng người dân tộc thiểu số, chưa kể những trở ngại về vấn đề đất đai, thời tiết, dịch bệnh (dịch Covid-19) và đơn giản nhất là chuyện thiếu nước sinh hoạt, thiếu điện thường xuyên.

Thế nhưng sau gần 10 năm, “bông hoa” dưới chân đèo Mã Pì Lèng cũng nở rộ nhờ sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo các cấp và sự đồng lòng của người dân, trong đó có những người như vợ chồng thầy giáo Đào Văn Vũ hay gia đình Nguyễn Sơn Tùng mà bố mẹ em là chủ homestay Mèo Vạc Clay House lớn nhất Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông.

Thành công của chính quyền huyện Mèo Vạc và xã Pả Vi là kiên trì vận động và tuyên truyền người dân làm du lịch bằng những mô hình cụ thể để họ có thể hiểu rõ và tiếp cận dễ dàng. Đổi lại, sau một thời gian tiếp nhận, thay đổi nhận thức, người dân cũng có cách làm mới của riêng mình như cho thuê đất, thuê bò phục vụ các dịch vụ du lịch trải nghiệm hay làm bánh, bán dược liệu, nấu rượu để bảo đảm nguồn thu liên tục.

Quan trọng hơn tất cả, sự ra đời của Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc H’mông một mặt nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc H’mông, mặt khác giúp họ cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Theo Nguyễn Sơn Tùng, tại Mèo Vạc Clay House, các nhân viên của homestay đều là người địa phương, nhất là người Pả Vi. Tất cả đều có thu nhập ổn định, kể cả trong đợt dịch Covid-19 họ vẫn được hỗ trợ lương để yên tâm gắn bó với công việc, thậm chí một số người còn được đóng bảo hiểm xã hội.

Có tiềm năng về cảnh quan hùng vĩ, choáng ngợp, với nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng, việc phát triển du lịch nông thôn của Mèo Vạc nói chung và Pả Vi nói riêng là điều tất yếu. Quan trọng là, như Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pả Vi, Thào Minh Sơn, cho biết, họ sẽ không vì sự phát triển, vì lợi nhuận mà phá vỡ bản sắc, đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị của dân tộc bằng cách đào tạo, hướng dẫn thế hệ trẻ học cách múa khèn, thổi sáo hay duy trì các nghề truyền thống. Sau cùng, đó cũng là giai điệu cuộc sống trên miền đá của đồng bào H’mông ở Hà Giang từ bao đời nay.

Theo MẠNH HÀO VÀ KHÁNH TOÀN/nhandan.vn - 20/08/2023

 https://nhandan.vn/lang-du-lich-duoi-chan-deo-ma-pi-leng-post768221.html