Cập nhật: 31/08/2023 15:26:00
Xem cỡ chữ

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần tập trung hoàn thiện Đề án Quốc hội Điện tử làm căn cứ để cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm hướng tới Quốc hội Số.

Quoc hoi Dien tu can tao moi truong de tuong tac voi cu tri, nguoi dan hinh anh 1

Các máy tính bảng được cài đặt mạng nội bộ để phục vụ hoạt động tra cứu tài liệu tại Quốc hội. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội)

Sáng 31/8, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội Điện tử (Đề án) chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ở tất cả các hoạt động của Quốc hội đạt kết quả tích cực, được đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao, là tiền đề để xây dựng và thực hiện Quốc hội Điện tử, hướng đến Quốc hội Số.

Để triển khai nhiệm vụ quan trọng này, trước mắt cần tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án làm căn cứ cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Quốc hội Điện tử, hướng tới Quốc hội Số trong thời gian tới.

Báo cáo kết quả triển khai Đề án và một số dự án ứng dụng công nghệ thông tin thành phần thuộc Đề án, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trên cơ sở các ý kiến của đại biểu, chuyên gia, Tổ giúp việc đã tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu.

Dự thảo Đề án đã bổ sung nội dung bối cảnh chuyển đổi số quốc tế và trong nước; bổ sung giải pháp triển khai thực hiện là phát huy vai trò của người đứng đầu; xây dựng hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành cho lãnh đạo cũng như hỗ trợ cho cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; bổ sung nghiên cứu cấu trúc các quy trình nghiệp vụ làm cơ sở triển khai các nền tảng số, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu trong thời gian tới...

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, về bản chất, Chuyển đổi Số trong hoạt động Quốc hội hay Quốc hội Điện tử chính là việc thay đổi "luật chơi" trên môi trường điện tử. Do đó vấn đề đặt ra khi xây dựng Quốc hội Điện tử là phải rà soát, kiến nghị sửa đổi quy định có liên quan để bảo đảm phù hợp và thuận lợi cho quá trình vận hành.

Cùng với đó, Quốc hội Điện tử phải đồng hành với Chính phủ Điện tử, Chính phủ Số trong tổng thể chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia.

Một số đại biểu chỉ rõ việc xây dựng Quốc hội Điện tử hướng đến Quốc hội Số ở giai đoạn hiện nay cần lựa chọn công nghệ tiên tiến phù hợp, có định hướng dài hơi, tránh trường hợp Đề án vừa ban hành đã có nội dung lạc hậu, không theo kịp với công nghệ.

Quốc hội Điện tử không chỉ tập trung về mô hình công nghệ thông tin để chuyển đổi quy trình, thủ tục làm việc mà còn tập trung ở nhiều yếu khác như yếu tố con người, cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, trong đó có hướng tới mối quan hệ của Quốc hội với các chủ thể khác, nhất là Quốc hội với cử tri và người dân.

Nêu vấn đề này, các đại biểu cho rằng, Quốc hội Điện tử cần tạo môi trường để Quốc hội tương tác với cử tri và người dân, trong đó có tiếp xúc cử tri trên môi trường mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện của Quốc hội và tăng cường trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiến hành thẩm tra, đánh giá đề cương Đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong thời gian sớm nhất.

Nhấn mạnh đây là đề tài rất lớn, đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan liên quan, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ Thông tin và Truyền thông phải có ý kiến góp ý chính thức đối với đề cương Đề án và tham gia trong quá trình thẩm tra. Văn phòng Quốc hội nghiên cứu lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng Đề án theo đúng quy định của pháp luật và sẵn sàng cho triển khai thực hiện khi Đề án được ban hành./.

Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+) – 31/8/2023

https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-dien-tu-can-tao-moi-truong-de-tuong-tac-voi-cu-tri-nguoi-dan/891848.vnp