Theo các bác sĩ bệnh lý này thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi và cảnh báo đến năm 2025 có khoảng 15% nam giới thế giới (322 triệu nam giới) trên 65 tuổi bị tác động. Nếu mắc đái tháo đường thì dù trẻ tuổi nam giới vẫn có nguy cơ bị rối loạn cương dương.
Với người trẻ đái tháo đường mà rối loạn cương dương có cách nào để cải thiện không?
Nam giới trẻ bị rối loạn cương do mắc đái tháo đường
Theo PGS.TS. BS Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Khoa mới tiếp nhận bệnh nhân là anh N.V.K (45 tuổi, Hà Nội). Anh K mắc bệnh đái tháo đường đã hơn 5 năm, dùng thuốc đều đặn, nhưng khoảng 1 năm gần đây rất khó khăn mỗi khi gần gũi vợ, thậm chí mang cảm giác bất lực vì "trên bảo dưới không nghe".
Tương tự, anh N. H H., nam 47 tuổi, một doanh nhân có tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, đã điều trị bệnh rối loạn cương 10 năm nay. Thời gian đầu bệnh đáp ứng tốt với thuốc, nhưng khoảng 3 năm gần đây bệnh không còn đáp ứng với thuốc, mặc dù đã tăng liều lên mức tối đa và phối hợp với các biện pháp điều trị khác như sóng xung kích, nhưng tình trạng cương vẫn không cải thiện. Không những thế anh H còn gặp nhiều tác dụng phụ của thuốc do như đau đầu, đau cơ, hẹp động mạch vành.
Nếu mắc đái tháo đường dù trẻ tuổi vẫn có nguy cơ bị rối loạn cương dương.
Trường hợp của anh T.T.C (40 tuổi, Bắc Ninh) cũng đến Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám, sau khi được một người bạn giới thiệu.
"Ban đầu, việc rối loạn cương thi thoảng xảy ra, tôi nghĩ chắc do công việc bận rộn, căng thẳng nên dùng một số loại thực phẩm chức năng. Thế nhưng "chuyện ấy" ngày càng kém đi, khiến vợ chồng lục đục suốt. Sau khi khám mới biết bị rối loạn cương do mắc đái tháo đường", anh C kể.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc cho biết, rối loạn cương dương vừa là một bệnh lý thực sự vì nó có nguyên nhân, có cơ chế sinh bệnh rõ ràng, nhưng nó cũng là một triệu chứng của nhiều bệnh khác như trầm cảm, lo âu, tiểu đường, suy giảm hormone sinh dục nam gây nên.
"Do tâm lý tự ti, tuổi tác trẻ, thiếu niềm tin vào kết quả điều trị, rất nhiều người không tìm đến bác sĩ để được khám, tư vấn mà một bộ phận lớn âm thầm chịu đựng hoặc tự tìm đến kiếm thông tin được chia sẻ trên mạng để giải quyết. Việc này dẫn đến những sai lầm trong điều trị bệnh nhân rối loạn cương", BS Bắc cho hay.
Rối loạn cương ở người bệnh đái tháo đường và bệnh nhân không đáp ứng thuốc có cách nào không?
Rối loạn cương dương có thể điều trị khỏi được hoàn toàn không? Đây là câu hỏi của nhiều người mắc phải căn bệnh này. Theo BS Đỗ Ích Định, Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, với điều trị rối loạn cương dương, bước đầu tiên là sử dụng thuốc.
Dùng thuốc kết hợp với điều trị các bệnh lý nền, rối loạn cương dương có thể điều trị khỏi được hoàn toàn.
Theo khuyến cáo của Hội Niệu khoa châu âu (EAU), các biện pháp được khuyến cáo điều trị rối loạn cương dương là dùng các thuốc ức chế PDE-5 giúp tăng lượng máu làm cho "cậu nhỏ" cương cứng hơn; dùng sóng xung kích (shockwave) để làm tăng sinh các mạch máu tân tạo; hoặc cấy ghép thể hang nhân tạo.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy, bởi không ít trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc điều trị thông thường và phải thay đổi rất nhiều mức điều trị, liều điều trị mà không giải quyết được triệt để, nhất là ở bệnh nhân mắc các bệnh lý như đái tháo đường.
Với những bệnh nhân phải sử dụng thuốc kéo dài làm tăng nguy cơ tai biến và gặp tác dụng phụ khi phải điều trị thuốc.
Hiện nay, đối với các trường hợp không đáp ứng điều trị thuốc, cũng đã có thêm cơ hội phục hồi là cấy ghép thể hang nhân tạo vào trong "cậu nhỏ". Theo các bác sĩ, như ca bệnh N.H.H (47 tuổi) mắc đáo tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, điều trị bệnh rối loạn cương dương 10 năm. Nhưng khoảng 3 năm gần đây bệnh không hiệu quả. Anh H gặp nhiều tác dụng phụ của thuốc như đau đầu, đau cơ, hẹp động mạch vành. Chính vì vậy, anh H mong muốn được cấy ghép thể hang nhân tạo.
"Bệnh nhân ra viện sau 4 ngày, trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường sau 10 ngày và quan hệ tình dục trở lại sau 2 tháng"- BS Nguyễn Hoài Bắc cho biết thêm.
Lý giải về cấy ghép thể hang nhân tạo, BS Hoài Bắc cho hay, thông thường cuộc phẫu thuật cấy ghép chỉ kéo dài trên một tiếng.
Việc sử dụng thể hang nhân tạo tránh được việc người bệnh phải dùng thuốc chống rối loạn cương dương kéo dài (trước khi quan hệ lại dùng thuốc), tránh được các tác dụng phụ của thuốc, tránh được việc phải tái khám nhiều lần để theo dõi tác dụng của thuốc.
Đặc biệt, trong trường hợp không còn đáp ứng với thuốc nhất là ở bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn mỡ máu thì thể hang nhân tạo thực sự là một cứu cánh hữu hiệu.
Cũng theo BS Bắc, thời gian đầu có một số trục trặc do người bệnh chưa quen với quá trình vận hành dụng cụ, phương tiện. Nhưng sau khi đã quen rồi, cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn. Bệnh nhân vẫn tiếp tục với niềm vui đạp xe 30km mỗi ngày, hoàn toàn hài lòng với cuộc sống tình dục sau phẫu thuật.
Theo các bác sĩ, để phòng tránh tình trạng "trên bảo dưới không nghe", người bệnh tiểu đường phải duy trì đường huyết ổn định thông qua chế độ dinh dưỡng như ăn uống lành mạnh, ít tinh bột, nhiều chất xơ.
Người bệnh đái tháo đường cũng cần giảm uống rượu bia, hút thuốc lá; dùng thuốc theo chỉ định; hoạt động thể chất điều độ; ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng; giảm cân nếu thừa cân...
Và quan trọng cần duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ; có thể thực hiện các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu (đánh giá lượng đường huyết), xét nghiệm hormone (đo lượng hormone testosterone và các hormone quan trọng khác), kiểm tra hệ thần kinh để xem xét các biểu hiện tổn thương...
Theo Khánh Mai/suckhoedoisong.vn - 28/08/2023
https://suckhoedoisong.vn/cuu-canh-cho-nam-gioi-dai-thao-duong-bi-roi-loan-cuong-169230825131258695.htm