Cập nhật: 13/09/2023 08:04:00
Xem cỡ chữ

Tiền Giang là tỉnh có nhiều ưu thế phát triển du lịch sinh thái và nông thôn nhờ mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đa dạng về tiểu vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn và hơn 80.000ha cây ăn quả.

Tien Giang: Du lich nong nghiep hap dan du khach trong va ngoai nuoc hinh anh 1

Du khách đến tham quan địa điểm du lịch vườn táo ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Với vị trí thuận lợi nằm bên biển Đông, có 32km bờ biển và nằm trải dài trên dòng sông Tiền, cùng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy tỏa khắp trong toàn tỉnh, Tiền Giang là vùng đất hội tụ những điều kiện lý tưởng để phát triển ngành "công nghiệp không khói" - du lịch sinh thái, được xem là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ quá trình phát triển kinh tế trong tiến trình hội nhập.

Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nông nghiệp

Tiền Giang là tỉnh có nhiều ưu thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn nhờ mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đa dạng về tiểu vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn; trên 80.000ha vườn trồng cây ăn quả đặc sản, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách.

Với những ưu thế đó, gần đây, loại hình du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang phát triển mạnh, thu hút du khách trong nước và quốc tế, giúp ngành Du lịch địa phương tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch COVID-19.

Theo quy hoạch của ngành Du lịch Tiền Giang, tỉnh đã hình thành 3 vùng sinh thái tự nhiên, rất thuận lợi để phát triển du lịch gồm vùng du lịch hệ sinh thái nước ngọt, vùng du lịch hệ sinh thái ngập mặn và vùng du lịch hệ sinh thái nước ngập phèn.

Mỗi vùng sinh thái đều mang đặc điểm riêng thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế. Do đó, trong những năm gần đây, dòng khách du lịch quốc tế đến Tiền Giang tăng nhanh với tốc độ bình quân trên 15%, là một trong những tỉnh chiếm tỷ lệ cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn tỉnh hiện có 46 khu, điểm du lịch cùng hàng trăm lò bánh kẹo, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống nông thôn. Loại hình du lịch nông nghiệp-nông thôn đang phát triển mạnh với hàng chục điểm du lịch mới ra mắt và tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, chủ yếu là lao động nông thôn, ở khắp các địa bàn trọng điểm trong tỉnh, từ ven biển Gò Công phía Đông đến vùng Kiểm soát lũ và vùng Đồng Tháp Mười nằm phía Tây.

Loại hình du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tăng thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Người dân chủ động tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch nông thôn như tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn để hình thành các tuyến đường nông thôn vừa phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư địa phương vừa tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan vườn cây ăn trái.

Một trong những minh chứng sinh động cho việc đầu tư và khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp là người dân ở cù lao Tân Phong thuộc huyện Cai Lậy, đã xây dựng và khai thác tốt sản phẩm du lịch mang đậm nét đặc trưng vùng cây ăn trái, với hơn 1.300ha vườn trồng cây ăn trái đặc sản.

Điển hình như Điểm du lịch Mekong Rustic Sáu Vân, có diện tích gần 10ha với 15 phòng nghỉ đạt chuẩn cho khách có nhu cầu ở qua đêm. Du khách còn có cơ hội tham gia vào các hoạt động sinh hoạt của người dân sông nước miệt vườn.

Hay ở cù lao Thới Sơn thuộc ấp Thới Hòa, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, là điển hình về phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp.

Trước đây, người dân cù lao Thới Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi thủy sản, cùng với trồng cây ăn trái luân canh, về sau, người dân đã phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, một số hộ còn làm kẹo dừa, mứt, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách đến du lịch Tiền Giang tham quan, tìm hiểu.

Sau đó, loại hình du lịch này tiếp tục phát triển ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như xã Đông Hòa Hiệp ở huyện Cái Bè, xã Phú Tân thuộc huyện Tân Phú Đông, xã Thạnh Hòa tại huyện Tân Phước... và một số địa phương khác.

Đặc biệt, Tiền Giang hiện có 3 điểm du lịch nông nghiệp được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp hạng gồm hai điểm đạt 4 sao là nhà cổ Ba Đức ở huyện Cái Bè và Trại rắn Đồng Tâm thuộc huyện Châu Thành, một điểm đạt OCOP 3 sao là vườn lan Thảo Nguyên ở thành phố Mỹ Tho.

Nông trại Dê Sữa Đông Nghi ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, là điểm du lịch độc đáo được nhiều người biết đến tại Tiền Giang. Theo bà Lê Khắc Đông Nghi, Giám đốc Nông trại, trung bình mỗi tuần, nơi đây thu hút trên một ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Đến thăm Nông trại, du khách thích thú vì được trở về với không gian đồng ruộng, vườn cây, tìm hiểu quy trình sản suất nông nghiệp sạch, chăn nuôi an toàn sinh học vừa trực tiếp tham gia vào nhiều hoạt động như cho dê ăn, dẫn dê đi dạo, tìm hiểu quy trình nuôi một con dê từ khi sinh đến trưởng thành cho khai thác sữa tươi cùng quy trình vắt sữa dê, sơ chế, chế biến cho tới khi ra sản phẩm là chai sữa tươi.

Tien Giang: Du lich nong nghiep hap dan du khach trong va ngoai nuoc hinh anh 2

Du khách trải nghiệm hoạt động tự bơi xuồng trên sông trong Nông trại dê sữa du lịch Đông Nghi. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Từ sữa dê tươi, Nông trại chế biến nhiều sản phẩm có lợi cho sức khỏe như Yaourt sữa dê, bánh plant sữa dê... Điểm du lịch này còn tổ chức dịch vụ bơi xuồng trên sông, đi xe đạp len lỏi qua các khu vườn cây ăn trái, tham gia trò chơi dân gian.

Theo bà Lê Khắc Đông Nghi, thời gian tới, đơn vị liên kết với các điểm du lịch nông nghiệp nổi tiếng ở Tiền Giang như Điền lan Thôn trang thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, vườn lan Thảo Nguyên ở thành phố Mỹ Tho và các điểm du lịch sinh thái trong vùng Đồng Tháp Mười tại huyện Tân Phước nhằm xây dựng tour du lịch mới, lạ và hấp dẫn phục vụ du khách.

Do thấy được hiệu quả phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, các địa phương có tiềm năng và thế mạnh trong tỉnh như Gò Công Đông, thị xã Gò Công, Tân Phước, Cái Bè… đang xây dựng phương án phát triển du lịch, khuyến khích người dân, nhà đầu tư khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết địa phương có kế hoạch đánh thức tiềm năng du lịch trên cơ sở phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp kết hợp chương trình xây dựng sản phẩm đặc trưng OCOP, đồng thời kết nối du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm các tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cái Bè Lê Văn Ý chia sẻ bên cạnh phát huy tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn với nhiều tour, tuyến đặc sắc như tham quan sông nước Tiền Giang, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi Cái Bè…, hằng năm, địa phương gắn kết Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp với tổ chức thêm các tour du lịch tham quan làng nghề truyền thống, điểm du lịch mùa nước nổi tỉnh Đồng Tháp, du lịch miệt vườn tỉnh Vĩnh Long... Qua đó tạo sự đa dạng, hấp dẫn và mới mẻ cho ngành Du lịch địa phương, thu hút du khách.

Cần có chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp

Ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, cho biết để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp hiệu quả và bền vững, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có nhiều tiềm năng; đồng thời tăng cường công tác quản lý để tránh tình trạng để người dân hoạt động tự phát, chạy theo phong trào.

Tien Giang: Du lich nong nghiep hap dan du khach trong va ngoai nuoc hinh anh 3

Các điểm du lịch ở nông thôn thu hút đông đảo du khách. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn, thuế, để thu hút doanh nghiệp du lịch, hộ nông dân khai thác tiềm năng du lịch địa phương.

Đối với các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn; tổ chức các hoạt động du lịch mang tính trách nhiệm cao; quan tâm đến quyền lợi người nông dân, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân.

Đối với nông dân làm du lịch cần cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, văn minh, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương.

Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn; quan tâm đến quyền lợi nông dân, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia phát triển du lịch ở địa phương, góp phần giải quyết khó khăn, giảm nghèo, bảo tồn môi trường văn hóa, tự nhiên và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong 8 tháng của năm nay, toàn tỉnh đón hơn 781.000 lượt du khách, tăng trên 79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 230.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 7 lần.

Tổng doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt 500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Riêng trong hai ngày cao điểm dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, các doanh nghiệp lữ hành tại Tiền Giang phục vụ gần 23.000 lượt du khách./.

Theo (Vietnam+) - 11/09/2023

https://www.vietnamplus.vn/tien-giang-du-lich-nong-nghiep-hap-dan-du-khach-trong-va-ngoai-nuoc/893600.vnp