Cập nhật: 24/09/2023 07:44:00
Xem cỡ chữ

Theo thống kê của CDC Hà Nội, trên địa bàn thành phố còn 258 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động. Một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ; dự báo diễn biến phức tạp trong những tuần tới.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhận định: “Số ca mắc sốt xuất huyết trong các tuần gần đây liên tục gia tăng, một số ổ dịch diễn biến kéo dài ghi nhận thêm bệnh nhân. Đặc biệt, qua kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ; dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tuần tới”.

Theo thống kê của CDC Hà Nội, trên địa bàn thành phố còn 258 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động. Các địa bàn có nhiều ca bệnh như: Phú Xuyên (163 ca), Hoàng Mai (136 ca), Cầu Giấy (134 ca), Hà Đông (132 ca), Đống Đa (125 ca), Đan Phượng (122 ca)… 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 10.370 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 4 lần với cùng kỳ năm 2022. Theo kết quả giám sát dịch, hiện Hà Nội đang lưu hành chủ yếu 2 tuýp virus gây sốt xuất huyết là DEN 1 và DEN 2.

dich sot xuat huyet tai ha noi tiep tuc dien bien phuc tap trong nhung tuan toi hinh anh 1

Kiểm tra diệt bọ gậy, loăng quăng, phòng, chống sốt xuất huyết tại quận Long Biên (Hà Nội)

Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý (BI) cao vượt ngưỡng nguy cơ. Cụ thể, tại Chương Dương, Hoàn Kiếm (chỉ số BI = 40); tại Đại Thắng, Phú Xuyên (BI = 60); tại Hiệp Thuận, Phúc Thọ (BI = 40); Mễ Trì, Nam Từ Liêm (BI = 40)…

Cũng theo lãnh đạo CDC Hà Nội, trong các tuần tiếp theo, thành phố tiếp tục duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Cùng với đó, các địa bàn tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, tránh để dịch lây lan rộng. Hà Nội đang tiếp tục giám sát chặt công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch đang nóng như: Thanh Trì, Thanh Oai, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông, Phúc Thọ.

Theo đó, tăng cường việc giám sát, phát hiện sớm ca mắc tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp; rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm để phát hiện sớm ca bệnh nhằm điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng. Đặc biệt, việc phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng, tử vong.

Trung tâm Y tế các quận huyện thị xã căn cứ tình hình bệnh nhân và kết quả giám sát côn trùng truyền bệnh Sốt xuất huyết để tham mưu Ủy ban nhân dân nhân tăng cường các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các xã, phường, thị trấn. Các đơn vị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, hóa chất đảm bảo công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Việc giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao cần tăng cường hơn nữa, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời. Việc huy động các ban ngành đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy rất quan trọng.

Đặc biệt, ý thức chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết của mỗi người dân, gia đình là rất quan trọng. Mỗi người dân cần phối hợp, vào cuộc tích cực, chủ động nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, thời tiết nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển.

Theo Thiên Bình/VOV.VN - 24/09/2023

https://vov.vn/xa-hoi/dich-sot-xuat-huyet-tai-ha-noi-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-trong-nhung-tuan-toi-post1047943.vov