Nhằm gìn giữ, phát triển các làng nghề truyền thống, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các làng nghề phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Các làng nghề đang tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Với cơ chế, chính sách phù hợp trong lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề truyền thống ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng. Đến nay, hầu hết các làng nghề đều phát triển mạnh và đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.
Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp - làng nghề, đưa các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vào hoạt động, giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư. Tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ; phát triển các mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề.
Nguyễn Toàn