Xe tăng M1 Abrams mà Washington vừa hỗ trợ cho Kiev được giới chuyên gia quân sự đặt lên bàn cân so sánh với xe tăng T-90 của Nga - phương tiện được đánh giá là "kỳ phùng địch phủ" với xe tăng của Mỹ.
Lô xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất đã đến tay Ukraine. Báo chí Mỹ cho rằng đây là một trong những xe tăng hiện đại nhất thế giới và sở hữu những tiến bộ kỹ thuật mà nhiều xe tăng khác không theo kịp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Boris Rozhin tại Trung tâm Báo chí Quân sự - Chính trị: "Xe tăng T-90 có lợi thế về khả năng cơ động, có thể đi qua những địa hình gồ ghề và sở hữu tốc độ nhanh hơn Abrams. Trong số tất cả xe tăng được cung cấp cho Ukraine, Abrams là xe tăng hạng nặng tiên tiến nhất và được cho là mạnh hơn cả Leopard. Tuy nhiên, phương Tây đang vận chuyển những mẫu xe tăng cũ và chưa được điều chỉnh cho Ukraine".
Xe tăng Abrams. Ảnh: AP
T-90 và M1 Abrams: Xe tăng nào mạnh hơn trên chiến trường Ukraine?
“Xe tăng T-90 được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ bộ binh và nó đã thể hiện tốt nhiệm vụ này. Hiện khó có thể khẳng định Abrams thể hiện như thế nào trong khía cạnh trên", chuyên gia quân sự Boris Rozhin cho hay.
Ông Rozhin nhận định, xe tăng Abrams được sử dụng rộng rãi trong các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, đó là vào thời điểm không có UAV săn xe tăng chiến đấu chủ lực. Hiện chưa rõ Abrams sẽ đối phó thế nào với vấn đề này.
"Abrams có cùng vấn đề với Leopard của Đức và Challenger 2 của Anh. Điểm yếu của chúng chính là tháp pháo và nhìn chung các phương tiện này được bảo vệ khá kém trước các cuộc tấn công UAV. Phần mái và khoang động cơ là những phần dễ bị tổn thương nhất của xe tăng. Dĩ nhiên, về mặt này, Abrams không bằng T-90 về mức độ an toàn", chuyên gia trên đánh giá.
T-90 nhẹ hơn Abrams, khả năng cơ động cao hơn và có thể thích nghi tốt hơn với địa hình Đông Âu cũng như thời tiết xấu. Về điểm này, Abrams có nguy cơ bị mắc kẹt trong các bãi bùn lầy, ông Rozhin nói.
"Gần đây, Ukraine đã cố gắng sử dụng xe tăng Leopard 2 phiên bản điều chỉnh của Thụy Điển theo hướng Svatovo. Nhưng chúng vẫn bị sa lầy và sau đó bị UAV tấn công".
Chiến trường Ukraine đã gây ra thách thức cho các xe tăng của NATO vào mùa thu và mùa đông trong khi xe tăng T-90 không gặp các vấn đề này. Ngoài ra, xét về tính cơ động, xe tăng Abrams thậm chí không cả bằng các xe tăng T-64 cũ thời Liên Xô, hiện cũng đang được Lực lượng Vũ trang Ukraine sử dụng.
Điều gì xảy ra nếu cả T-90 và M1 Abrams cùng tham chiến?
Theo ông Rozhin, hiếm khi cả hai xe tăng này cùng tham chiến bởi các xe tăng được triển khai để yểm trợ bộ binh hoặc tấn công thành trì của đối phương.
"Có những trường hợp mà các xe tăng được sử dụng để phá hủy xe bọc thép của đối phương nhưng thường thì chúng được sử dụng như một vũ khí tấn công, chẳng hạn như tấn công vào các thành trì và lô cốt dưới hỏa lực trực tiếp".
Tuy nhiên, M1 Abrams được thiết kế riêng vào năm 1972 - 1975 để đối phó với các xe tăng thời Liên Xô và các loại xe bọc thép khác.
Trải qua một số nâng cấp, Abrams hiện được trang bị pháo có thể phóng đạn xuyên giáp cỡ nòng phụ với một số loại đạn xuyên giáp có thể làm từ hợp kim siêu cứng vonfram hoặc urani nghèo.
Khi nhắc đến T-90 của Nga - dòng tăng chủ lực thế hệ thứ ba, kế nhiệm của T-72, các nhà sản xuất vũ khí nước này đã cải thiện nó trong một vài năm qua. Phiên bản mới nhất là T-90M "Proryv" được bảo vệ tốt trước các loại đạn theo quy ước, vũ khí dẫn đường chính xác và tên lửa chống tăng. Xe tăng này được trang bị pháo nòng trơn có độ chính xác cao cỡ nòng 125mm (với bộ nạp đạn tự động) và một súng máy 12,7 mm kiểm soát từ xa.
Xe tang T-90. Ảnh: Tass
Ngoài ra, xe tăng của Nga cũng có khả năng xuyên giáp nhờ đạn 3BM59 Svinets-1 và 3BM60 Svinets-2. Đầu năm nay, các nhà quan sát quân sự Nga nhận định trên Telegram rằng đạn xuyên giáp 125mm 3BM60 "Svinets-2" đã được triển khai để đối phó với Ukraine tại khu vực thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo các chuyên gia quân sự, loại đạn này có thể xuyên qua lớp giáp của Leopard, Challenger và Abrams.
"Nhìn chung, cần phải dựa vào việc bên nào phát hiện ra bên nào trước. Bởi vì, bên nào phát hiện ra đối thủ trước thì bên đó sẽ thắng. Cũng cần phải hiểu rằng xe tăng không hoạt động trong một khoảng trống. Nó hoạt động trong sự phối hợp với các hoạt động trinh sát của UAV. Nếu bạn phát hiện ra mục tiêu nhưng đối phương chưa phát hiện ra bạn thì bạn có thể điều chỉnh và tiến hành tấn công tấn công sau khi đối phương không thể phản ứng. Vì vậy, việc quan sát và chỉ định mục tiêu là rất quan trọng. Nó không phụ thuộc vào 1 xe tăng mà là sự kết hợp của các yếu tố, vào cách nó tương tác với các thông tin trinh sát chiến thuật và hình thức yểm trợ trên không", chuyên gia này đánh giá.
Abrams có thể làm gì ở chiến trường Ukraine?
Ông Rozhin không loại trừ khả năng quân đội Ukraine sẽ sử dụng các xe tăng Abrams để gây tổn thất cho các phương tiện bọc thép và xe tăng chủ lực của Nga.
"Theo thông báo của Lầu Năm Góc, chúng ta có thể thấy họ muốn sử dụng Abrams theo một cách chuyên biệt. Không phải với cách họ sử dụng Leopard để tấn công vào phòng tuyến của Nga. Có khả năng Ukraine sẽ sử dụng Abrams một cách hạn chế hơn để tránh tổn thất số lượng lớn và cố gắng đạt được một vài thành quả”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng chú ý đến một điểm, đó là Mỹ đã cung cấp cho Ukraine mẫu xe tăng Abrams được chế tạo theo thực tế thời Chiến tranh Lạnh mà không cung cấp các mẫu mới nhất. Những mẫu mới nhất sở hữu các thiết bị quang học, điện tử tốt hơn, cải thiện khả năng bảo vệ và tăng lớp giáp urani.
Theo chuyên gia Rozhin, dù trong bất kỳ kịch bản nào, 31 xe tăng Abrams mà Mỹ cung cấp cho Ukraine sẽ không thể thay đổi mạnh mẽ cục diện chiến trường.
Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) – 28/9/2023
https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ky-phung-dich-thu-cua-xe-tang-hien-dai-nhat-my-vua-ho-tro-ukraine-post1048967.vov